09:12 15/05/2007

Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư bất động sản lớn?

Kiều Oanh

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang rất quan tâm đến thị trường bất động sản ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và EU

Dự án "Hòn ngọc Baltic", một dự án bất động sản đa chức năng rộng tới 180 hecta gần thành phố St. Petersburg (Nga).
Dự án "Hòn ngọc Baltic", một dự án bất động sản đa chức năng rộng tới 180 hecta gần thành phố St. Petersburg (Nga).
Trong khi thị trường bất động sản Trung Quốc đã thu hút nhiều nhà đầu tư Mỹ và EU, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang rất quan tâm đến thị trường bất động sản ở nước ngoài.

Hiện tại, quy định của Trung Quốc không cho phép các công ty nước này đầu tư vào thị trường bất động sản ở nước ngoài trừ phi dự án đó được ủng hộ bởi Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trên thị trường tài sản cho biết họ đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với mảng thị trường này.

Mặt khác, Trung Quốc cũng đang nỗ lực trong việc đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư nhằm sử dụng khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ ở mức 1.200 tỷ USD tính đến cuối tháng 3 năm nay và đang tăng nhanh của nước này. Người ta hy vọng Bắc Kinh sẽ thành lập một cơ quan đầu tư quốc tế để thúc đẩy đầu tư bằng khoản tiền này. Trong khi việc lượng ngoại hối trên sẽ được đầu tư ra sao còn chưa rõ ràng, các nhà phân tích đã chỉ ra rằng mô hình hợp lý cho một cơ quan như vậy là Công ty Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC), một công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản trên khắp thế giới.

David Watt, Chủ tịch tại châu Á của công ty tư vấn bất động sản DTZ Holdings PLC của Anh nói: “Với nhu cầu phân tán rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận, kịch bản trong đó vốn của Trung Quốc được đầu tư trên thị trường quốc tế chỉ là vấn đề thời gian và với một lượng vốn như vậy Trung Quốc có thể dễ dàng làm chủ một trong những tổ chức đầu tư lớn nhất trên thế giới.”

Ông Watt tin tưởng rằng một khi Bắc Kinh thành lập cơ quan mới này, điều có thể xảy ra trong năm nay, nước này sẽ bãi bỏ những hạn chế đối với đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực bất động sản ở nước ngoài. Một khi những hạn chế đó được bãi bỏ, ông Watt cho rằng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trước tiên sẽ nhắm tới thị trường châu Âu và Mỹ, những thị trường đã chín muồi và khá ổn định.

Một số công ty Trung Quốc đã có được sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc để tiến hành các dự án đầu tư ở châu Âu. Một trong những dự án tham vọng nhất trong số này là “Hòn ngọc Baltic”, một dự án bất động sản đa chức năng rộng tới 180 hecta gần thành phố St. Petersburg (Nga) do một nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng. Nhóm nhà đầu tư này bao gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghiệp Thượng Hải, tập đoàn bán lẻ Brilliance, Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Jin Jiang, Tập đoàn Bất động sản Greenland Thượng Hải và Trung tâm Phát triển Công nghiệp Âu - Á Thượng Hải.

Theo Heike Martin, một chuyên gia của công ty tư vấn bất động sản có tên Jones Lang LaSalle có trụ sở tại Moscow, người cũng tham gia tư vấn dự án trên, dự án có trị giá lên tới 1,5 tỷ USD này bao gồm 1,2 triệu m2 diện tích nhà ở và một trung tâm giải trí và mua sắm.

Tuy nhiên, theo Choy-Soon Chua, Giám đốc điều hành về đầu tư bất động sản tại công ty SEB Asset Management ở Frankfurt, đây mới chỉ là khởi đầu. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ là một lực lượng cần phải được tính đến trong vòng vài năm tới.”

Nhấn mạnh khoản tiền mà một cơ quan đầu tư của Chính phủ Trung Quốc sẽ phải triển khai, ông Chua cho rằng, danh mục đầu tư của cơ quan này sẽ bao gồm những dự án bất động sản lớn. Ông nói thêm rằng nếu Trung Quốc cho phép các công ty nước này được đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài, nhiều nhà đầu tư sẽ rất sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này.

Theo Robert Lie, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý đầu tư bất động sản ING châu Á, các nhà đầu tư Trung Quốc đã quan tâm đến thị trường bất động sản châu Âu. Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang xem xét thị trường Mỹ. Một trong số này là Công ty Bất động sản Vantone, công ty này đang có dự định xây dựng tòa nhà văn phòng có tên China Center tại New York nhằm thu hút các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các công ty đã và có dự định được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York.

Năm ngoái, công ty này có dự định mua lại một diện tích rộng trên tầng cao nhất của tòa nhà Trung tâm Thương mại mới ở New York nhưng đã không đạt được thỏa thuận này. Hiện nay, công ty đang cân nhắc việc mua lại hoặc phát triển một khu liên hợp văn phòng với diện tích từ 200.000 đến 300.000m2 ở Manhattan để làm cơ sở cho dự án tòa nhà China Center.

(Theo WSJ)