21:57 05/06/2019

Trung Quốc siết chặt, xuất khẩu sắn của Việt Nam sụt giảm

Duyên Duyên

Hiện xuất khẩu sắn sang Trung Quốc chiếm tới 89,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này

Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

Xuất khẩu sắn sang thị trường Trung Quốc giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Theo báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,08 triệu tấn, tương đương 414 triệu USD, giảm 17,6% về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm khi chiếm tới 89,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Theo lý giải của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm là bởi xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh xuất khẩu chính ngạch và biên mậu.

Theo đó, nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngưng sản xuất khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm. 

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng có xu hướng gom hàng, tạm ngưng xuất khẩu.

Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

Cơ quan này cũng dự báo, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu. Tình trạng này được dự đoán sẽ kéo dài đến hết quý 2/2019.