12:34 28/10/2015

Trung Quốc “sôi sục” vụ tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo

An Huy

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Yesui đã triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Max Baucus

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ trên Ấn Độ Dương năm 2009 - Ảnh: Reuters.<br>
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ trên Ấn Độ Dương năm 2009 - Ảnh: Reuters.<br>
Giới truyền thông, dư luận, và Chính phủ Trung Quốc đồng loạt phản ứng trước tin tàu chiến Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý từ đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở biển Đông.

Theo tờ Wall Street Journal, truyền thông Trung Quốc đã có một loạt bài viết chỉ trích mạnh động thái trên của Mỹ. Bình luận trên các mạng xã hội Trung Quốc cũng “sôi sục” không kém, trong khi giới chức nước này đưa ra những lời cảnh báo gay gắt.

“Không thể để Mỹ phô trương sức mạnh”

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã là một trong những cơ quan truyền thông đầu tiên của Trung Quốc vào cuộc chỉ trích Mỹ, cáo buộc việc Washington đưa tàu chiến đi gần đảo nhân tạo trên biển Đông là khuấy động vùng nước vốn “bình yên”.

“Biển Đông vốn bình yên, nhưng Mỹ đã tới để gây rắc rối”, bài báo của Tân Hoa Xã có đoạn viết. “Việc Mỹ triển khai một chiến hạm tới tuần tra rõ ràng là một động thái nhằm lật ngược chiếc xe chở táo, biến biển Đông bình lặng trở thành một vùng nước động”.

“Hành động gây hấn như vậy là một hành động vô trách nhiệm đối với biển Đông, cũng như đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”, bài viết có đoạn. “Một ai đó muốn gây chuyện, nhưng người dân Trung Quốc không sợ rắc rối”.

Cũng trên Weibo, một số cư dân mạng tỏ ra lo lắng về “thế” cua Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

“Trung Quốc đang ở thế bất lợi so với Mỹ trên biển Đông. Chiến lược ngoại giao [của Trung Quốc] cần phải nhất quán. Có thể linh hoạt về phương pháp cứng-mềm, nhưng mục tiêu cần phải rõ ràng”, nhà nghiên cứu Gao Cheng thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc viết trên trang Weibo cá nhân.

“Hiện tại, Trung Quốc chưa có một kế hoạch rõ ràng về trên biển Đông, nên mới bị dẫn trước”, ông Gao viết.

“Chúng ta không thể để Mỹ phô trương sức mạnh. Mười câu phản đối không thể bằng hành động cụ thể”, một người sử dụng Weibo khác viết.

Trong lúc báo chí truyền thông và dư luận Trung Quốc tỏ ra sôi sục, vẫn có những lời kêu gọi từ những nơi ít ai ngờ tới.

Một bài trên tờ Thời báo Hoàn cầu viết: “Chúng ta nên bình tĩnh. Nếu chúng ta nổi giận và có những phát ngôn bực bội, thì Mỹ đã đạt được mục đích là chọc giận chúng ta”.

Đại sứ Mỹ bị triệu hồi


Ngay sau khi khu trục hạm USS Lassen của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh bãi Subi và bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ngày 27/10, các cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra những phản ứng gay gắt.

Theo tin từ Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã chỉ đạo một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường và một tàu tuần tra hải quân theo dõi và đưa ra cảnh báo đối với chiến hạm Lassen của Mỹ “theo quy định pháp luật”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nói cuộc tuần tra này của Mỹ là một “hành động mang tính chất cưỡng ép nhằm tìm cách quân sự hóa biển Đông” và là sự “lạm dụng” vấn đề tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Yesui đã triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Max Baucus để nói rằng cuộc tuần tra của mỹ là “cực kỳ vô trách nhiệm” - theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trước đó, bộ này ra một tuyên bố nói tàu USS Lassen đã xâm nhập trái phép vùng biền gần các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà chưa có “sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc”.

“Trung Quốc sẽ cương quyết đáp trả hành vi gây hấn có chủ ý của bất kỳ quốc gia nào”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Trong cuộc họp báo hàng ngày chiều 27/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Khang nói nếu Mỹ tiếp tục “tạo căng thẳng trong khu vực”, Trung Quốc có thể đi tới kết luận phải “tăng cường và thúc đẩy việc xây dựng các năng lực có liên quan của chúng tôi”.

Ông Lu không nói cụ thể việc đó là gì, nhưng nói hy vọng Trung Quốc sẽ không phải làm như vậy. Giới phân tích cho rằng, việc mà phát ngôn viên này “bóng gió” là tăng cường hiện diện quân sự trên biển Đông.

Hy vọng sẽ thành “hoạt động thường kỳ”


Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Washington, phát ngôn viên John Kirbyy của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Ngoài vấn đề này, quan hệ Mỹ-Trung là vô cùng quan trọng và chúng tôi muốn mối quan hệ này tiếp tục được cải thiện và phát triển vì lợi ích của hai nước và cả khu vực”.

Nguồn tin là quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với Reuters rằng chiến hạm Lassen đã bị một tàu Trung Quốc “bám đuôi” ở cự ly an toàn và không hề có sự cố nào trong suốt thời gian tàu Mỹ thực hiện cuộc tuần tra dài 72 dặm quanh đảo nhân tạo.

“Tôi hy vọng là việc này sẽ trở thành hoạt động thường kỳ trên biển Đông. Cuộc tuần tra như vậy không nên bị xem là gây hấn”, vị quan chức nói. Cũng theo vị này, tàu Lassen đã bị tàu Trung Quốc theo dõi suốt nhiều tuần trước khi cuộc tuần tra diễn ra.

Cuộc tuần tra của chiến hạm Lassen gần đảo nhân tạo diễn ra chỉ vài tuần trước một loạt hội nghị thượng đỉnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ cùng tham dự.