16:13 01/02/2019

Trung Quốc tung loạt biện pháp cứu thị trường chứng khoán

An Huy

Động thái này diễn ra sau khi hàng trăm công ty niêm yết của Trung Quốc đưa ra cảnh báo về lợi nhuận

Trung Quốc đang chật vật xoay sở với sự giảm tốc kinh tế và chiến tranh thương mại với Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Trung Quốc đang chật vật xoay sở với sự giảm tốc kinh tế và chiến tranh thương mại với Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc ngày 31/1 công bố điều chỉnh một loạt quy chế giám sát nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán "tơi tả" của nước này, sau khi hàng trăm công ty niêm yết đưa ra cảnh báo về lợi nhuận chỉ trong vòng mấy ngày gần đây.

Theo tin từ Bloomberg, loạt biện pháp được Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đưa ra vào cuối ngày thứ Năm bao gồm xóa bỏ ngưỡng giải chấp tự động, cho phép sử dụng thêm nhiều dạng tài sản thế chấp đối với một số loại khoản vay nhất định, giảm yêu cầu về vốn đối với những tài sản có độ rủi ro cao hơn, nới lỏng quy định về cách thức sử dụng vốn của nhà đầu tư nước ngoài...

Bước sang 2019, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có sự phục hồi yếu, sau khi trở thành thị trường lớn có mức giảm mạnh nhất thế giới trong 2018. Tuy nhiên, loạt cảnh báo lợi nhuận của các công ty niêm yết đã khiến chỉ số Shenzhen Composite Index của sàn Thẩm Quyến sụt 3,4% trong vòng 4 ngày trở lại đây.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc - vốn đang chật vật xoay sở với sự giảm tốc kinh tế và chiến tranh thương mại với Mỹ - đã phải triển khai nhiều biện pháp trong thời gian gần đây để hỗ trợ thị trường.

Loạt thay đổi quy chế giám sát nói trên được công bố chỉ vài ngày sau khi CSRC có Chủ tịch mới là ông Yi Huiman. Những người tiền nhiệm của ông Yi từng phải chịu trách nhiệm về những đợt giảm điểm mạnh của chứng khoán Trung Quốc xảy ra trong thời gian họ cầm quyền.

Nhiều điều chỉnh trong số này nhằm vào hoạt động cho vay, có thể bởi CSRC lo ngại sự lặp lại của những gì xảy ra vào năm 2015, khi chứng khoán Trung Quốc "bốc hơi" 5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa do hoạt động giải chấp diễn ra ồ ạt.

Ở thời điểm hiện tại, hoạt động tín dụng đang bị thắt chặt trên toàn Trung Quốc do Chính phủ nước này nỗ lực kiềm chế sự gia tăng của khối nợ khổng lồ trong nền kinh tế. Năm ngoái, số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc cao chưa từng thấy.

Lượng vốn vay cầm có chứng khoán ở Trung Quốc hiện đã lên tới 645 tỷ USD, tương đương khoảng 10% tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này. Lượng vốn vay khổng lồ như vậy trở thành một mối lo ngày càng lớn đối với cơ quan chức năng, bởi giá cổ phiếu đã giảm sâu.

Những cảnh báo lợi nhuận gần đây của các doanh nghiệp niêm yết càng làm gia tăng mối lo như vậy. Riêng trong ngày thứ Tư, có khoảng 440 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cho biết tình hình tài chính 2018 của họ xấu đi - theo dữ liệu do Bloomberg tập hợp.

Trong số hơn 2.400 công ty Trung Quốc đã đưa ra con số tạm tính về kết quả kinh doanh 2018 đến thời điểm này, có 373 công ty nói sẽ báo lỗ. Khoảng 86% doanh nghiệp trong số này là những công ty báo lãi trong 2017.