15:33 25/09/2018

Trung Quốc tuyên bố khó đàm phán thương mại với Mỹ vào lúc này

An Huy

Giới phân tích cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn leo thang và sẽ không sớm kết thúc

Cờ Mỹ trong một sự kiện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 11/2017 - Ảnh: Reuters.
Cờ Mỹ trong một sự kiện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 11/2017 - Ảnh: Reuters.

Một quan chức cấp cao của Trung Quốc ngày 25/9 tuyên bố khó tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ vào lúc này, khi mà Washington đang ép Bắc Kinh. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi hai bên thực thi kế hoạch mới về áp thuế bổ sung lên hàng hóa của nhau.

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen nói rằng khi nào đàm phán thương mại có thể nối lại là vấn đề tùy thuộc vào "ý chí" của Mỹ - hãng tin Reuters cho hay.

"Mỹ đã áp dụng một biện pháp hạn chế thương mại lớn đến như vậy, thì làm sao đàm phán có thể tiếp tục được? Đó sẽ không phải là một cuộc đàm phán bình đẳng", ông Wang nói, nhấn mạnh rằng Mỹ đã từ bỏ sự hiểu biết lẫn nhau đã có trước đó với Trung Quốc.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung và Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung ở New York, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị cũng nói rằng đàm phán không thể diễn ra trong bối cảnh "đe dọa và áp lực".

Ông Vương Nghị nói một số thế lực ở Mỹ đang đưa ra những chỉ trích vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc về thương mại và các vấn đề an ninh, và điều này đã làm xấu đi bầu không khí của quan hệ Trung-Mỹ.

"Nếu còn tiếp diễn, tình trạng này sẽ phá hỏng những thành quả quan hệ Trung-Mỹ trong suốt 4 thập kỷ qua", ông Vương Nghị cảnh báo.

Trong một cuốn sách trắng dài 71 trang về xung đột thương mại Trung-Mỹ được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố ngày thứ Hai, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đi theo "chủ nghĩa bắt nạt" về thương mại. Trung Quốc nói Mỹ đang dọa dẫm để buộc các quốc gia phải phục tùng ý chí của mình.

Nhiều nguồn tin nói rằng Trung Quốc đã hủy kế hoạch cử một phái đoàn do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sang Washington để đàm phán thương mại trong tuần này.

Dù cả Mỹ và Trung Quốc tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán, giới phân tích nói rằng có vẻ cả hai bên đều chưa muốn nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang hiện nay. Điều này đặt ra nguy cơ về sự kéo dài của chiến tranh thương mại và ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Sự chỉ trích mạnh mẽ của Trung Quốc cho thấy có lẽ nước này muốn chờ qua chính quyền hiện nay của Mỹ, thay vì cứ bước vào những cuộc đàm phán ít khả năng mang lại kết quả", một báo cáo của ngân hàng Mizuho Bank nhận định. "Rất có thể, hai bên sẽ không nối lại đàm phán trong một thời gian nữa, ít nhất cho tới khi có sự chuyển biến rõ rệt về tâm trạng chính trị ở phía bên kia".

Trong danh sách những mặt hàng Mỹ bị Trung Quốc áp thuế lần này có khí hóa lỏng (LNG). Thứ trưởng Wang nói chắc chắn các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ sẽ bị thiệt hại nhưng sự trả đũa của Bắc Kinh nhằm vào Mỹ sẽ mở ra cơ hội cho các nước xuất khẩu khí hóa lỏng khác, như Australia.

"Trung Quốc là một quốc gia lớn và hùng mạnh. Bởi vậy, cho dù đối đầu về kinh tế hay quân sự với Trung Quốc, thì đối phương cũng sẽ phải trả giá đắt", một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày thứ Ba có đoạn viết. "Vì vậy, các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, nên cùng tồn tại với Trung Quốc trong hòa bình".

Tại cuộc họp báo ngày thứ Ba, ông Wang cũng nói Trung Quốc không hiểu tại sao Mỹ lại thay đổi sau khi đã đạt một thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại. Có vẻ ông Wang đang nói đến cuộc đàm phán hồi tháng 5, khi Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận khung nhưng sau đó Chính phủ Mỹ bất ngờ rút khỏi thỏa thuận đó.

"Tôi cho rằng đang có một sự toan tính sai lầm căn bản ở cả hai phía và điều này sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài", giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell nhận định.

Theo ông Prasad, có vẻ Trung Quốc cho rằng ông Trump sẽ chịu sức ép chính trị phải đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Tuy nhiên, với một nền kinh tế trong nước đang mạnh và thị trường chứng khoán đi lên, ông Trump cho rằng mình không có lý do gì để nhượng bộ Bắc Kinh.

Ông William Zarit, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Trung Quốc cũng cho rằng nhiều khả năng xung đột sẽ trở nên tồi tệ hơn.

"Làm thế nào mà chuyện này có thể kết thúc được? Mọi chuyện chỉ kết thúc khi hai bên có một sự nhượng bộ nào đó. Nhưng phía Mỹ hiện nay không để cho Trung Quốc có một khoảng trống nào để lùi. Tôi không dám chắc là phía Mỹ hiểu rõ những gì đang thực sự diễn ra và làm cách nào để giải quyết được vấn đề với Trung Quốc", ông Zarit nhận định.