Trung Quốc tuyên bố: Không có bệnh truyền nhiễm mới từ virus HMPV
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết, không có bệnh truyền nhiễm mới nào ở Trung Quốc và các bệnh đường hô hấp hiện tại ở nước này đều do các tác nhân gây bệnh đã biết gây ra...
Giới chức y tế Trung Quốc thông báo các ca mắc bệnh đường hô hấp hiện tại chủ yếu là cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và HMPV. Tỷ lệ dương tính với HMPV đang tăng nhưng dao động gần mức ổn định, số ca tại miền Bắc giảm. Số ca nhiễm ở bệnh nhân dưới 14 tuổi cũng bắt đầu giảm. Cơ quan y tế Trung Quốc cũng bác bỏ thông tin hệ thống y tế quá tải do bệnh hô hấp tăng đột biến, khẳng định thuốc men đầy đủ.
Phát biểu tại cuộc họp báo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 12/1, ông Wang Liping, nghiên cứu viên của CDC Trung Quốc cho biết, cúm hiện là căn bệnh chính khiến bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính phải đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Wang Liping, dữ liệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm vẫn ở mức trung bình tại hầu hết các tỉnh và khi các trường trung học cơ sở và tiểu học bước vào kỳ nghỉ đông, mức độ hoạt động của bệnh cúm dự kiến sẽ giảm vào cuối tháng 1.
Về biện pháp đối phó, ông Wang Liping thông báo kết quả giám sát cúm cho thấy chủng virus đang lưu hành chủ yếu là phân nhóm H1N1. Hơn nữa, phân tích kháng nguyên có liên quan đã chứng minh hiệu quả của vaccine cúm năm nay đối với phân nhóm này.
Liên quan đến virus gây viêm phổi ở người (HMPV), ông Wang Liping cho biết, loại virus này đã lưu hành ở người trong nhiều thập kỷ và sự gia tăng các báo cáo về loại virus này trong những năm gần đây có thể là nhờ vào những tiến bộ trong các phương pháp phát hiện. Cường độ chung của các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp và áp lực y tế liên quan trong năm nay sẽ không vượt quá năm ngoái.
Ông Gao Xinqiang, một quan chức của NHC, nhận định mặc dù số người tới các phòng khám và khoa cấp cứu trên toàn quốc tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và không có tình trạng thiếu hụt đáng kể nguồn lực y tế.
Kể từ tháng 10/2024, NHC đã làm việc với CDC Trung Quốc và các cơ quan chức năng để vạch ra kế hoạch và tiến hành giám sát thường xuyên, huy động nguồn lực và nhân sự trên khắp cả nước để đảm bảo các dịch vụ y tế vẫn ổn định và có trật tự.
Quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc khẳng định với tờ Global Times rằng nước này hiện có nhiều loại thuốc điều trị bệnh hô hấp, năng lực sản xuất và sản lượng dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ví dụ, công suất sản xuất hàng ngày của oseltamivir, thuốc kháng virus cúm phổ biến, là 1,56 triệu liều, với lượng dự trữ hơn 47 triệu liều, gồm hơn 16 triệu liều dạng hạt uống dành cho trẻ em.
Sản lượng hàng ngày của Liên Hoa Thanh Ôn - thuốc y học cổ truyền Trung Quốc được sử dụng rộng rãi để điều trị Covid-19 và các bệnh hô hấp khác - là 120 triệu viên, với lượng dự trữ hơn 86 triệu hộp. Công suất sản xuất ibuprofen hàng ngày đạt 150 triệu viên và có kế hoạch tăng quy mô sản xuất nếu cần.
Theo Guardian, kể từ tháng 12 cho đến nay, lượt tìm kiếm trên Google về virus HMPV cũng như khả năng gây đại dịch đã tăng mạnh. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia các nước đều nhận định HMPV không nguy hiểm như Covid-19 vì nó không phải virus mới. Con người đã hiểu rõ tác động của nó và hầu hết có miễn dịch.
HMPV gây triệu chứng giống cảm lạnh, thường tự khỏi sau ba đến sáu ngày. Các biểu hiện bao gồm ho, thở khò khè, sổ mũi và đau họng. Nó có thể dẫn đến viêm phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người trên 65 tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Hầu hết mọi người đều nhiễm HMPV trước 5 tuổi nên triệu chứng ở trẻ em thường nặng hơn do chưa có miễn dịch. Khi nhiễm lần đầu, cơ thể sẽ có miễn dịch, nên triệu chứng tái nhiễm thường nhẹ. Hiện chưa có thuốc kháng virus cho HMPV cũng như chưa có vaccine. Nhưng giới khoa học đã hiểu rõ về cách HMPV lây lan và ảnh hưởng đến con người, cũng như có các xét nghiệm chẩn đoán.
Tại Nga, nhà dịch tễ học, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Gennady Onishchenko đánh giá, căn cứ tình hình dịch tễ ở thời điểm hiện nay, chưa cần thiết phải có ngay vaccine ngừa virus HMPV. Viện sỹ Onishchenko cho rằng việc cần làm trước mắt là điều chế "phôi" của vaccine, tương tự như quá trình điều chế vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V. Lúc đó, Nga có thể phát triển và đưa vào lưu hành rộng rãi vaccine này trong thời gian ngắn là nhờ đã xây dựng được một mô hình virus dựa trên các đợt bùng phát dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS và MERS trước đó.
Như vậy, phải có mẫu cho nhiều loại virus theo nguyên tắc này, để trong thời gian ngắn, vừa có thể tạo ra vaccine vừa có thể mở rộng quy mô sản xuất. Trước đó, Viện sỹ Onishchenko đánh giá không đủ điều kiện tiên quyết để xảy ra đại dịch do virus HMPV vì loại virus này không có khả năng đột biến nhanh chóng.
Theo WHO, ở Trung Quốc, số liệu giám sát mới nhất ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm HMPV, RSV và cúm mùa. Dù số ca mắc cao hơn so với thời điểm trước đó, hệ thống y tế của Trung Quốc vẫn đang kiểm soát tốt và chưa phải đối mặt với tình trạng quá tải hay khủng hoảng.
WHO đánh giá rằng sự gia tăng số ca mắc bệnh hô hấp trong mùa Đông không có yếu tố bất thường và đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, sự kết hợp của nhiều loại virus như HMPV, RSV, và cúm mùa có thể tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
WHO cho biết, dù số ca mắc bệnh hô hấp tăng, các hệ thống y tế tại các quốc gia Bắc bán cầu, bao gồm Trung Quốc, vẫn đang kiểm soát tốt. Tỷ lệ sử dụng bệnh viện ở Trung Quốc hiện thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và không có báo cáo về bất kỳ tác nhân bất thường nào.
WHO khuyến cáo các quốc gia không nên áp đặt các hạn chế giao thương hoặc đi lại do các xu hướng bệnh hô hấp hiện nay, mà thay vào đó tập trung vào biện pháp giám sát và quản lý dịch bệnh hiệu quả.
Tổ chức y tế thế giới nhấn mạnh, để giảm nguy cơ lây lan virus HMPV và các bệnh đường hô hấp khác, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản: đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; tiêm vaccine phòng cúm… Người dân có triệu chứng nhẹ nên ở nhà, nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe. Trong trường hợp triệu chứng nặng như sốt cao, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.