Trung Quốc vẫn khủng hoảng thừa thép
Cuộc khủng hoảng thừa của ngành thép Trung Quốc có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu...
Cuộc khủng hoảng thừa thép ở Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu cải thiện, thậm chí đang trở nên nghiêm trọng thêm - hãng tin Bloomberg cho hay.
Tình trạng sụt giảm kéo dài suốt mấy năm qua của thị trường bất động sản Trung Quốc đã làm suy yếu nguồn cầu lớn nhất của các nhà sản xuất thép nước này - ngành công nghiệp với sản lượng hàng năm lên tới hàng tỷ tấn.
Hiện tại, khủng hoảng địa ốc Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Vì vậy, giá thép ở nước này vẫn trượt dốc, lợi nhuận của các nhà sản xuất thép tiếp tục thu hẹp, và nhà chức trách cũng không đưa ra biện pháp hỗ trợ nào đáng kể cho ngành này trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tập trung vào tái cấu trúc nền kinh tế trong dài hạn.
Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp đột phá nào cho vấn đề bất động sản, và cũng chưa có sự bùng nổ đầu tư nào cho cơ sở hạ tầng để có thể duy trì mức tiêu thụ thép. Trong khi Chính phủ về việc thúc đẩy tiêu dùng và các ngành công nghệ cao, nhu cầu thép ở nước này được dự báo sẽ giảm trong năm nay.
“Không có nhiều tin tốt cho ngành thép Trung Quốc và tình trạng suy thoái bất động sản ở nước này sẽ kéo dài nhiều năm nữa. Chính phủ Trung Quốc đã cho thấy rõ là quan điểm của họ về kích cầu bây giờ rất khác trước”, ông Tomas Gutierrez - nhà phân tích tại công ty Kallanish Commodities Ltd. - nhận định.
Cuộc khủng hoảng thừa của ngành thép Trung Quốc có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, với giá quặng sắt bị đẩy xuống thấp và nước này đẩy mạnh xuất khẩu thép, dẫn tới xung đột thương mại.
Dưới đây là 4 nét chính của khủng hoảng ngành thép Trung Quốc, do Bloomberg điểm lại:
NHU CẦU GIẢM SÚT
“Thủ phạm” khiến ngành thép Trung Quốc điêu đứng chính là khủng hoảng bất động sản kéo dài. Nhu cầu thép xây dựng ở Trung Quốc được dự báo giảm 10% trong năm nay - theo Kallahnish. Sự sụt giảm này sẽ kéo tỷ trọng của ngành bất động sản trong tổng nhu cầu thép ở Trung Quốc xuống còn khoảng 1/4 - một mức rất thấp so với bình quân của 2 thập kỷ.
Trái lại, nhu cầu thép của những lĩnh vực khác ở Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng, chẳng hạn ngành thiết bị gia dụng hoặc đóng tàu. Tuy nhiên, nhu cầu thép những lĩnh vực này vẫn chưa đủ lớn để bù đắp sự suy giảm nhu cầu thép của lĩnh vực bất động sản. Kallanish dự báo tổng nhu cầu thép ở Trung Quốc giảm 1% trong năm 2024.
“Nhu cầu thép đang thực sự yếu. Trong lúc các địa phương nặng nợ của Trung Quốc vẫn tập trung vào giảm nợ, cộng thêm việc không có nhiều dự án khả thi, đầu tư vào hạ tầng không phải là lý tưởng vào lúc này”, nhà phân tích Wei Ying của công ty China Industrial Futures Ltd. nhận định.
GIÁ THÉP LAO DỐC
Nhu cầu thép chậm lại đã gây ra tình trạng giá thép sụt giảm trong những tháng gần đây. Giá thép cây dùng trong xây dựng hiện đang ở mức rẻ nhất kể từ năm 2017, trong khi thép cuộn cán nóng dùng trong ô tô và đồ gia dụng chạm mức thấp nhất 4 năm. Nhiều nhà sản xuất có chi phí cao hơn đang thua lỗ trên mỗi tấn thép được xuất xưởng.
Ngoài ra còn có các yếu tố khác đang gây áp lực giảm lên giá thép. Việc Chính phủ Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng mới cho thép cây có khả năng sẽ làm cho hàng tồn kho hiện có khó bán hơn. Theo công ty nghiên cứu Mysteel Global, điều này đã gây ra một số đợt bán tháo thép trước khi các quy định mới có hiệu lực vào tháng 9 năm nay.
ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG THÉP TOÀN CẦU
Tập đoàn ArcelorMittal SA, nhà sản xuất thép lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, cho biết dòng thép xuất khẩu chảy mạnh từ quốc gia châu Á này đang là một vấn đề đối với ngành thép toàn cầu, đẩy giá thép ở Mỹ và châu Âu xuống dưới giá thành. Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ cao nhất kể từ năm 2016 và chính phủ nhiều nước cũng chia sẻ mối lo ngại của Arcelor.
Thép Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Mỹ Latinh đã gây ra phản ứng thương mại ở khu vực này. Các nước Mỹ Latin đang nối tiếp nhau hành động giống như Mỹ và châu Âu là áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thép, dù mối quan hệ giữa các quốc gia này với Bắc Kinh cho tới gần đây vẫn nồng ấm. Hồi tháng 4-5, Mexico, Chile và Brazil đã tăng thuế quan - thậm chí có trường hợp tăng hơn gấp đôi - đối với các sản phẩm thép Trung Quốc.
Nhà sản xuất thép và quặng sắt Cap SA của Chile có kế hoạch đóng cửa nhà máy, cho rằng mức thuế quan mới mà nước này đối với các sản phẩm thép Trung Quốc không đủ để đảm bảo lợi nhuận cho hoạt động sản xuất thép ở Chile.
TÁC ĐỘNG TỚI GIÁ QUẶNG SẮT
Cuộc suy thoái của ngành thép Trung Quốcđã tác động đến giá quặng sắt trên thị trường thế giới trong năm nay, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quản kinh doanh của các gã khổng lồ khai thác mỏ như BHP Group Ltd. và Rio Tinto Group. Giá quặng sắt trên hợp đồng tương lai ở Singapore đã giảm hơn 25% kể từ cuối năm 2023 và trầy trật duy trì trên ngưỡng quan trọng 100 USD/tấn.
Lượng tồn kho quặng sắt tại các hải cảng của Trung Quốc thường giảm vào thời gian giữa năm. Nhưng năm nay, lượng tồn kho đó tháng nào cũng tăng, đạt hơn 150 triệu tấn. Sự gia tăng của lượng quặng tồn sẽ gây áp lực giảm lên giá quặng sắt, đặc biệt với áp lực ngày càng lớn đòi hỏi cắt giảm sản lượng nhiều hơn tại các nhà máy thép ở Trung Quốc, bao gồm áp lực từ việc Chính phủ nước này muốn hạn chế lượng khí thải.
Bà Vicky Wei, trưởng phân tích tại công ty nghiên cứu Horizon Insights cho biết một số nhà sản xuất thép Trung Quốc gần đây đã cắt giảm mạnh sản lượng, giúp giảm bớt tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu. Nhưng về thời gian tới, nhu cầu thép ở Trung Quốc khó cải thiện “trừ khi có các biện pháp kích thích mới” - bà Wei nói.