17:13 08/05/2018

Trung ương cho ý kiến về nhân sự cấp chiến lược

Hà Minh

Một trong những vấn đề mà Trung ương tập trung cho ý kiến tại phiên thảo luận toàn thể liên quan đến chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương

Hội nghị Trung ương 7 đã khai mạc sáng 7/5.
Hội nghị Trung ương 7 đã khai mạc sáng 7/5.

Sáng 8/5, trong ngày làm việc thứ 2 của hội nghị lần thứ 7, Trung ương đã làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đây là một trong những nội dung lớn của hội nghị lần này, đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nêu nhiều câu hỏi cần trả lời, trong phát biểu khai mạc sáng 7/5.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Trung ương đã thảo luận tại tổ về đề án nói trên.

Theo thông tin từ Đài Truyền hình Việt Nam, một trong những vấn đề mà Trung ương tập trung cho ý kiến tại phiên thảo luận toàn thể liên quan đến chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Nhiều ủy viên Trung ương cho rằng đây là một chủ trương đúng vì sẽ hạn chế được nhiều bất cập đang xảy ra trong thực tế như điều hành công việc còn nể nang, duy tình hoặc bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu: "Nếu một đồng chí không phải người địa phương, thì chúng ta có thể kiểm soát quyền lực tốt hơn bởi vì chúng ta ít có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em, chú bác. Nếu một đồng chí sinh ra, lớn lên ở một địa phương mười mấy, hai mươi năm thì rõ ràng các mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Còn nếu một đồng chí ở địa phương khác đến, không có bà con, dòng họ nhiều, rõ ràng chúng ta kiểm soát quyền lực và đồng chí đó thực hiện trách nhiệm được sự giám sát của các anh chị, cô chú ở địa phương thì sẽ chặt chẽ, bản thân đồng chí đó cũng sẽ hết sức thận trọng trong ứng xử".

"Tôi nghĩ rằng chủ trương này rất tốt. Hiện nay, chúng ta đang bàn tới việc làm sao để kiểm soát quyền lực, rõ ràng đây cũng là một giải pháp để kiểm soát quyền lực. Tôi thể hiện quan điểm rất đồng tình với chủ trương này. Tuy nhiên về lộ trình, tôi đồng tình với đề xuất làm từng bước, tuy nhiên, với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc, chúng ta có những đặc thù để làm sao bố trí bí thư là người địa phương để tạo điều kiện xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tốt hơn", ông Thể nói.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  nêu quan điểm: "chúng ta đều biết rằng người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, họ hàng, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, kể cả các thế hệ cán bộ trước có công giúp đỡ đào tạo mình. Cho nên nhiều khi khó xử, thậm chí rơi vào tình trạng duy tình trong giải quyết công việc. Tất nhiên tôi cũng hiểu rằng không phải là người địa phương sẽ có khó khăn về nắm địa bàn, nắm lòng dân, nhưng nếu chúng ta mà ở tại địa phương không phân định rõ sẽ dễ rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm được kỷ cương, kỷ luật.

Bởi vì thiếu hụt về hiểu biết địa bàn, dân cư, kinh tế - xã hội… tự mình có thể lăn lộn, nghiên cứu thì có thể bù đắp được nhưng vấn đề tình cảm thật sự là khó. Vì thế nên trong hai cách chọn, tôi nghiêng về phương án chọn không phải là người địa phương".

Cùng liên quan đến đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, các ủy viên Trung ương đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể từ thực tiễn địa phương, cơ quan, bộ ngành mình đang công tác để góp phần giải đáp những vấn đề Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong phiên khai mạc. Đó là làm sao để đề án này khi thực hiện phải khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực và chính sách để cán bộ tâm huyết gắn bó với công việc, với đất nước, nhân dân.

Dự kiến, Hội nghị Trung ương 7 sẽ bế mạc vào ngày 12/5.