12:55 22/11/2018

Trước “giờ G” phiên đấu giá 7.400 tỷ của Vinaconex, một nhà đầu tư bất ngờ rút

Bạch Dương

Cuộc đấu giá cổ phần quy mô lớn tại Vinaconex đang có nhiều "ẩn số" và sẽ được lý giải trong phiên đấu giá chiều nay

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhỏ đăng ký mua lại lô cổ phần thoái vốn tại Vinaconex.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhỏ đăng ký mua lại lô cổ phần thoái vốn tại Vinaconex.

Phiên đấu giá cổ phần Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) sẽ chính thức diễn ra chiều nay.

Tuy nhiên, sát đến giờ diễn ra, một nhà đầu tư đã bất ngờ xin rút khỏi cuộc đấu giá của SCIC. Do đó, ba nhà đầu đầu tư còn lại đăng ký mua tổng cộng 764,7 triệu đơn vị, mỗi đơn vị là 255 triệu đơn vị.

Theo kế hoạch giá khởi điểm đấu giá Vinaconex là 21.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng đợt thoái vốn của SCIC này lên tới 5.430 tỷ đồng. Thời hạn nộp phiếu đấu giá chậm nhất 14h30 phút hôm nay, 14h40 phút phiên đấu giá bắt đầu.

Trước đó, như VnEconomy đã đưa tin, có 4 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia mua cổ phần của SCIC tại Vinaconex bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông. Với quy định đấu giá, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt cọc 10%, tương ứng 543 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 22/11, Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là hai đơn vị đăng ký tham gia mua. Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010 do ông Trịnh Cần Chính là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô.

Còn Công ty Cường Vũ lại là một "ẩn số" bởi là lính mới vừa thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ chỉ 20  tỷ đồng. Nhiều luồng thông tin cho rằng Cường Vũ chỉ là đại diện cho một đại gia bất động sản giấu mặt muốn thâu tóm Vinaconex.

Như vậy, tổng quy mô đợt thoái vốn của SCIC và Viettel tại Vinaconex vào ngày 22/11 tối thiểu là hơn 7.400 tỷ đồng.