14:27 30/11/2021

TS Lê Xuân Nghĩa: “Không nên đẩy rủi ro sang các ngân hàng thương mại”

Anh Nhi

Có thể thiết kế gói kích thích quy mô lớn nhưng doanh nghiệp nào cần thì gửi thẳng hồ sơ đến Bộ Tài chính, không nên giải ngân qua ngân hàng và cấn trừ lãi suất, TS Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị...

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo mô hình chữ U chứ không phải chữ V.
Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi theo mô hình chữ U chứ không phải chữ V.

Tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 30/11, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất.

“Các nước coi dịch bệnh này là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc, vì thế, nền kinh tế phục hồi rất nhanh theo hình chữ V. Tuy nhiên, Việt Nam có vẻ như đang theo hình chữ U chứ không phải chữ V”, vị chuyên gia nói.

4 NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ

Bởi theo ông, ngoài “tai nạn” Covid-19, Việt Nam còn đối mặt với những vấn đề về cấu trúc nền kinh tế. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay đối với Việt Nam còn nhiều hơn và cấp bách hơn so với các nước.

Dẫn lại báo cáo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh. Hầu hết là các gói hỗ trợ mang tính gián tiếp giãn, hoãn thuế… với tổng giá trị quy đổi chưa tới 1% GDP.

“Chính sách tài khóa năm 2021 không có mục nào liên quan tới chống Covid-19. Cả giai đoạn 2021-2025 cũng không thấy có, mà chỉ nhắc tới việc dùng ngân sách dự phòng để xử lý. Điều nàycho thấy chúng ta không có quy định nào rõ ràng về tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các nước”, ông Nghĩa bày tỏ. Vì thế, vị chuyên gia cho rằng cơ quan hành pháp của Việt Nam không có đủ quyền lực để điều hành nền kinh tế nhất là trong tình trạng khẩn cấp.

Bàn về các gói giải pháp phục hồi kinh tế trong thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị nên tránh việc đưa ra gói kích thích tài trợ lãi suất như năm 2009. Bởi cách làm này không đạt hiệu quả như mong muốn khi đẩy lạm phát tăng cao.

Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

“Nếu làm thì kiên quyết phải đạt được 4 nguyên tắc”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Một là, không kéo các ngân hàng thương mại vào cuộc. Các ngân hàng cho vay theo đúng chuẩn mực hiện nay, doanh nghiệp nào có nhu cầu tài trợ thì gửi hồ sơ đến Bộ Tài chính, chứ không cấn trừ ngay vào lãi suất của hệ thống ngân hàng, làm lãi suất bị méo mó, khoản cho vay đắt, khoản cho vay rẻ. “Đây là điều tối kỵ”, ông Nghĩa bày tỏ.

Hai là, không kéo dài kế toán kiểm toán và xử lý tài chính. Bởi tới đây, hạch toán của ngân hàng là vô cùng phức tạp trong khi đến nay, chúng ta vẫn chưa quyết toán xong gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009.

Ba là, chính sách đưa ra không ảnh hưởng gì đến thị trường, làm méo mó lãi suất.

Bốn là, quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, không đẩy ngân hàng thương mại vào rủi ro có thể có.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA LÀ TRỤ CỘT

Theo tính toán của các chuyên gia, gói kích thích lần này dự kiến quy mô 5% GDP. Tuy nhiên, với lượng lớn tiền được bung ra để hỗ trợ doanh nghiệp, câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để kiểm soát lạm phát?. Về vấn đề này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa hiện nay, chúng ta đã có kinh nghiệm và Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát lạm phát chặt chẽ và bài bản.

Kinh nghiệm cho thấy, các nước như Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với 2 thách thức. Đó là lạm phát chi phí đẩy (do thiếu cung) và lạm phát cầu kéo, tức là số tiền bỏ ra cách đây 2 năm giờ phát huy tác dụng. Các quốc gia này hy vọng lạm phát giảm xuống thông qua việc tăng cung để từ đó hạ nhiệt giá cả.

“Nhưng giải pháp này cũng cần phải tiếp tục xem xét bởi số lượng tiền các Chính phủ in ra lần này cực lớn, chưa từng có trong lịch sử. Khoản tiền này sẽ tạo ra rủi ro lạm phát cầu kéo trong tương lai, có thể dẫn đến chiến tranh thương mại, chiến tranh tiền tệ. Từ đó, dẫn tới rủi ro về tỷ giá”, ông Nghĩa phân tích.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam “chậm nhịp” với thế giới khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tăng lãi suất thì Việt Nam lại giảm, vị chuyên gia cho rằng cần các nhà hoạch định phải cân nhắc kỹ hiệu quả của chính sách kích thích lần này.

Không biết lần này các nhà hoạch định đưa ra chính sách đã tính toán hiệu quả của chính sách chưa? Khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm, điều này phải cân nhắc”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Ở góc độ quốc tế, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng việc siết lại các chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước phát triển sẽ có ảnh hưởng nhưng không mạnh đối với các nền kinh tế châu Á như năm 2013.

“Tuy nhiên, với việc Việt Nam sử dụng tương đối nhiều dư địa của chính sách tiền tệ, đã đến đến ngưỡng phải cân nhắc về sự an toàn. Đặc biệt, ngân hàng là lĩnh vực nhảy cảm, nếu tiếp tục gây áp lực thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Cường bày tỏ quan điểm.

Theo đó, đại diện ADB khuyến nghị chính sách tài khóa nên là trụ cột chính, bên cạnh sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ.

Theo tính toán của ADB và các tổ chức khác, các chính sách tài khóa của Việt Nam mới khoảng 2% GDP, là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy chúng ta hoàn toàn có dư địa để tăng lên.

“Nhưng quan trọng hơn là hiệu quả của chính sách, nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả thì về mặt số lượng cũng không có ý nghĩa nhiều”, ông Cường nhấn mạnh.