Phục hồi kinh tế: Cân nhắc dài hạn các gói hỗ trợ
Việc tính toán, thiết kế các gói hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19 là rất cần thiết. Tuy nhiên, có một số quan ngại về dài hạn mà việc thiết kế các gói hỗ trợ này cần phải cân nhắc đến...
Cũng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, Việt Nam đang tiếp tục tính toán các gói hỗ trợ cho giai đoạn phục hồi sau Covid-19.
Các gói hỗ trợ nhanh chóng kịp thời, đúng đối tượng là rất cần thiết nhưng có một số quan ngại về dài hạn mà việc thiết kế các gói hỗ trợ này cũng phải cân nhắc đến.
Thứ nhất là sự méo mó (distortions) của thị trường khi cạnh tranh không lành mạnh là hệ lụy của chương trình hỗ trợ.
Thứ hai là lộ trình giảm dần tiến đến kết thúc chương trình hỗ trợ.
Và cuối cùng là xem xét trong bối cảnh các thỏa thuận thương mại quốc tế, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp tư nhân.
HỖ TRỢ CÓ THỂ KHIẾN THỊ TRƯỜNG MÉO MÓ
Có thể chia quá trình hỗ trợ nền kinh tế của các Chính phủ trước đại dịch Covid-19 thành hai giai đoạn: một, chống chọi để tránh phá sản hàng loạt cũng như thất nghiệp; và hai, hỗ trợ để nền kinh tế hồi phục trở lại.
Ở giai đoạn sau, các hỗ trợ nếu không cẩn trọng sẽ dần chuyển thành các hỗ trợ mang tính hệ thống (structural supports).
Các hình thức hỗ trợ của Chính phủ phổ biến nhất trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn là thông qua các khoản cho vay, bảo lãnh nợ và bơm vốn cổ phần.
Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ này kéo dài thì vấn đề sẽ phát sinh tương tự như trong thương mại và cạnh tranh: nó khiến cho việc tham gia, thoát khỏi thị trường hay mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thay đổi, và thị trường từ đó bị méo mó bởi vì vấn đề trở nên mang tính hệ thống.
Cụ thể hơn, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ có thể tác động đến cấu trúc doanh thu và chi phí của doanh nghiệp, các quyết định quan trọng liên quan đến các yếu tố đầu vào, đầu ra, mở rộng hay thu hẹp, thậm chí thoát khỏi thị trường.
Giữa doanh nghiệp được hỗ trợ và không hỗ trợ sẽ có nguồn lực và điều kiện để cạnh tranh khác nhau, nhiều khi doanh nghiệp không được hỗ trợ lại hiệu quả hơn. Khi có được lợi thế, quy mô tăng dần của doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ là khó khăn của các doanh nghiệp còn lại trong cùng lĩnh vực.
Trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, sự phân biệt đối xử trong hỗ trợ còn khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Những doanh nghiệp hiệu quả nhưng vì khó khăn đột ngột có thể bị kiệt quệ tài chính.
Trong khi những doanh nghiệp “zombie” (công ty xác sống) nhận được hỗ trợ hay ưu đãi thì được tiếp sức để tồn tại và tiếp tục chiếm giữ một thị phần nhất định.
CHUẨN BỊ LỘ TRÌNH CHO VIỆC KẾT THÚC HỖ TRỢ
Ở một số nước, khi nhiều doanh nghiệp bị khó khăn do đại dịch, Chính phủ đã thực hiện việc bơm vốn cổ phần tạm thời để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Thường thì việc này sẽ được thực hiện qua một ngân hàng đầu tư công. Khi kinh tế hồi phục trở lại, việc thoái vốn là cần thiết và cần có kế hoạch cụ thể. Sẽ có một số trường hợp đại diện vốn của Chính phủ sẽ ở lại lâu hơn, nhưng trong trường hợp này cần tôn trọng tiếng nói của những cổ đông lớn còn lại, tạo niềm tin từ khu vực kinh tế tư nhân.
Các chương trình hỗ trợ thông qua cho vay ưu đãi hay bảo lãnh các khoản vay cũng cần có lộ trình kết thúc khi kinh tế hồi phục dần và quay lại thời điểm trước khi khủng hoảng. Trong việc sàng lọc các doanh nghiệp, một yếu tố rất quan trọng là phân biệt được những doanh nghiệp trụ được thật sự và những doanh nghiệp chỉ còn có thể trụ được khi còn hỗ trợ.
Những doanh nghiệp có khả năng và có tiềm năng là những doanh nghiệp mà trước khi khủng hoảng hoạt động hiệu quả, xác suất bị phá sản rất thấp. Chỉ khi đại dịch xảy ra thì khả năng thanh khoản và vỡ nợ bị chuyển sang chiều hướng xấu nhanh chóng. Sau khi được hỗ trợ thanh khoản thì các doanh nghiệp này sẽ tự lấy lại vị thế của mình.
CẠNH TRANH TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ
Việc hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ hoàn toàn có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp được Chính phủ bơm vốn cổ phần, doanh nghiệp được nhận nhiều hỗ trợ hơn với các doanh nghiệp còn lại.
Như vậy sự bất bình đẳng trong kinh doanh có thể xuất phát từ cạnh tranh công- tư và ngay giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân với nhau.
Bên cạnh đó, còn một khía cạnh khác cũng đáng lưu ý là cạnh tranh quốc tế. Bởi vì các nền kinh tế đều có sự giao thương với nhau, có các hiệp định thương mại song phương hay đa phương đã ký kết.
Thông qua các gói hỗ trợ Covid-19, có nhiều quan ngại trong việc “té nước theo mưa”, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, hoặc thậm chí cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bởi vì các hình thức hỗ trợ tài chính hay phi tài chính đều ảnh hưởng đến cấu trúc chi phí của doanh nghiệp, ở một góc độ nào đó cũng là một hình thức trợ giá.
Lấy ví dụ như trong thỏa thuận WTO, điều khoản về trợ giá và chống trợ giá ASCM (Agreement on Subsidies and Countervailing Measures) sẽ để ý đến những hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ cho các doanh nghiệp trong nước. Khó khăn lớn nhất trong việc xác định và so sánh được là sự minh bạch của các Chính phủ vì các Chính phủ không cập nhật thường xuyên các thông tin này. Trong bối cảnh khủng hoảng do dịch, vấn đề này càng trở nên nan giải hơn.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM ĐÃ ĐƯỢC RÚT RA
Việc hỗ trợ nhanh và hiệu quả cho các doanh nghiệp là rất cần thiết khi khủng hoảng xảy ra.
Tuy vậy cũng cần cân nhắc đến những hệ lụy trong dài hạn từ các chính sách hỗ trợ, bởi vì nó có thể tạo sự méo mó của thị trường: cạnh tranh không lành mạnh, sự trở lại của doanh nghiệp nhà nước, và rủi ro vi phạm các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Để hạn chế các hệ lụy trên, một số kinh ngiệm được tổ chức OECD khuyến nghị như sau.
Thứ nhất, cần đảm bảo sự chính trực và minh bạch trong việc thực thi các chính sách, trong đó có rủi ro tham nhũng và gian lận. Chẳng hạn như việc lạm quyền của những công chức được giam nhiệm vụ thực thi hay hoạch định chính sách, gian lận của doanh nghiệp trong việc nhận được các hỗ trợ. Cần sàng lọc được những doanh nghiệp thực sự có khả năng tồn tại phát triển và những doanh nghiệp chỉ còn sống được là nhờ hỗ trợ.
Thứ hai, nâng cao năng lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân. Rất cần có những chuyên gia đến từ cả hai khu vực công tư hợp tác trao đổi với nhau, những ban điều hành có cả đại diện của Chính phủ và có những trường hợp trở thành những nhà đầu tư cùng nhau (co-investors).
Thứ ba, có một kế hoạch giảm dần các chương trình hỗ trợ và rút vốn của Chính phủ trong các khoản đầu tư cổ phần và doanh nghiệp như một hình thức tài trợ vốn. Việc tài trợ vốn cổ phần là đi ngược với xu hướng cũng như chính sách cổ phần hóa nhưng là cần thiết trong một giai đoạn ngắn khi khủng hoảng xảy ra. Khi nhiệm vụ đã hoàn thành thì cũng cần kết thúc chương trình.
Cuối cùng, cần đảm bảo nguyên tắc thị trường vận hành bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, và quan trọng không kém là các điều khoản thương mại quốc tế đã ký kết, nhằm tránh những kiện tụng phiền toái liên quan đế trợ giá và chống trợ giá.
(*) Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School và AVSE Global