09:01 16/06/2021

Từ Chính phủ điện tử đến Chính phủ số: "4 Không" thêm "4 Có"

Nhĩ Anh

100% cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào. Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, nhanh chóng, không giấy tờ…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là một trong những mục tiêu đến năm 2025 đặt ra trong Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 với nhiều điểm mới, đột phá.

“BỐN KHÔNG VÀ BỐN CÓ”

Đây là bước ngoặt quan trọng của công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng. Chiến lược lần đầu tiên đưa ra nội hàm khái niệm Chính phủ số.

Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản là “4 Không”, có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là Chính phủ điện tử, thêm “4 Có”, có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế- xã hội.

 

"Toàn bộ công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc. Cùng với đó, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất".

Trong cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội, Chiến lược đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cùng với đó, 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận.

100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền. Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, và người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. Đặc biệt, tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước sẽ được cắt giảm so với hiện nay.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội. Theo đó, 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước…

Để vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước, chiến lược đặt chỉ tiêu 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Toàn bộ công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc. Cùng với đó, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

Toàn bộ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số, trừ văn bản mật theo quy định. Khoảng 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% tại cấp huyện và 60% tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc bí mật)… Toàn bộ hồ sơ được tạo, lưu giữ và chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Ngoài ra, tất cả cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động…

MỖI NGƯỜI DÂN ĐỀU CÓ HỒ SƠ SỐ VỀ SỨC KHỎE

Chiến lược cũng đặt mục tiêu giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể như mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng. Mỗi người dân đều được sống trong môi trường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và có quyền riêng tư cá nhân trong môi trường số được bảo vệ theo quy định.

Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Cùng với đó công khai gía thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.

Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Đặc biệt, sẽ triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số; triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học…

Cũng theo chiến lược này, mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng.

Chiến lược đặt mục tiêu mỗi tuyến đường giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Đồng thời triển khai thu phí điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt…

Ngoài ra, mỗi người xuất, nhập cảnh tại Việt Nam đều có thể dễ dàng, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhờ sự trợ giúp của các quy trình được tự động hóa, thuộc nhóm 3 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mỗi hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh được quản lý từ khâu đầu đến cuối sử dụng nền tảng công nghệ số, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện thủ tục hải quan, thuộc  nhóm 3 nước tốt nhất khu vực…

HÀNH ĐỘNG NHANH, ĐỘT PHÁ BẰNG NỀN TẢNG MỞ, ĐỊNH HƯỚNG MỞ

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những quốc gia tiên phong, đi trước, hành động nhanh sẽ có cơ hội phát triển đột phá. Nói cách khác, ở kỷ nguyên số, không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Chiến lược đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành chính phủ số vào năm 2025.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chiến lược đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia gồm: hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia và bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

 

Tầm nhìn chiến lược đặt ra Việt Nam có chỉ số phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Điểm quan trọng, giải pháp đột phá là sử dụng nền tảng và định hướng mở. Cụ thể, nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển chính phủ số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành.

Cùng với đó là định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.

Nếu như trước đây, thông thường, phát triển chính phủ điện tử đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn thì trong Chiến lược này còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, đó là trợ lý ảo hay những nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.

Lần đầu tiên, các địa phương sẽ xây dựng phương án bảo đảm kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước cho chính phủ số, phấn đấu tỷ lệ chi cao hơn mức trung bình trên thế giới. Các nước hiện dành tỷ lệ chi khoảng 1-2% tổng chi ngân sách nhà nước cho chính phủ số.