09:36 27/03/2009

Từ cơ hội của vàng: Dân đang cất bao nhiêu tiền?

Đầu năm đến nay, thị trường vàng sôi động hẳn cùng với việc Nhà nước cho phép tái xuất vàng

Lượng vàng giao dịch tại PNJ tăng cao mức kỷ lục trên 22.000 lượng ngày 25/3 - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Lượng vàng giao dịch tại PNJ tăng cao mức kỷ lục trên 22.000 lượng ngày 25/3 - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Đầu năm đến nay, thị trường vàng sôi động hẳn cùng với việc Nhà nước cho phép tái xuất vàng.

Có thể nói, việc cho xuất khẩu vàng đã chuyển hoá một nguồn vốn rất lớn trong dân.

“Sóng” liên tục diễn ra mỗi khi giá thế giới biến động, trong khi lâu nay, thị trường vàng trong nước khá độc lập với thế giới. Cơn “sóng” mới nhất diễn ra trong ngày 25/3, dù giá vàng đã giảm nhẹ xuống dưới đỉnh 20,09 triệu đồng/lượng trước đó, Công ty PNJ đã mua vào đến 22.200 lượng, gấp 10 lần so với ngày bình thường và đạt kỷ lục mua vào ở hệ thống này từ trước đến nay, trong khi mức bán ra chỉ trên 3.000 lượng.

Trong ngày 26/3, PNJ cũng mua vào khoảng trên 4.000 lượng, và bán ra hơn 1.000 lượng. Không chỉ vàng miếng, chủ một doanh nghiệp vàng ở quận 3 cho biết, trong tuần qua, lượng vàng trang sức do khách mang lại bán tăng gần 20 lần so với nhịp điệu mua bán hàng ngày. Tại cPNJ, hệ thống phân kim đang chạy hết công suất, trung bình 100 - 150kg/ngày.

Tiền “chết” thành tiền “sống”

Tại trung tâm kinh doanh vàng của SJC ở Tp.HCM, bà Trần Ngọc Minh Thư, trưởng phòng kinh doanh nhận xét: “Tâm lý người dân là thấy giá cao là bán ngay để kiếm lãi…”.

Sự tấp nập của thị trường vàng và người dân liên tục bán ra đang cho thấy lượng vàng dự trữ trong dân là khá lớn. Ước tính của các doanh nghiệp và chuyên gia về kinh doanh vàng, con số này có thể 800 tấn tương đương 24 tỉ USD tính theo giá hiện tại.

Số liệu này thể hiện một nguồn tài lực còn rất lớn trong dân, giúp cải thiện cán cân thanh toán, và Việt Nam đã xuất siêu trong ba tháng đầu năm. Xuất khẩu đá quý, kim loại quý (chủ yếu là vàng) ba tháng đầu năm ước đạt 2.287 triệu USD. Nếu trừ đi số đã xuất khẩu này, khả năng mua vàng của người dân để xuất khẩu vẫn còn nhiều.

Ông Trang Văn Sanh, chuyên gia ngân hàng nhận định: “Đặc điểm Việt Nam, do thời gian dài kinh tế không ổn định, nên một bộ phận người dân có thói quen trữ vàng. Việc Nhà nước cho phép xuất khẩu vàng là quyết định đúng đắn, giúp khơi thông nguồn vốn này khi có cơ hội - giá thị trường thế giới cao. Nếu không, giá thế giới và trong nước tách rời nhau, người dân sẽ vẫn phải cất vàng, mà đồng tiền (vàng) không đưa vào lưu thông, thì không hữu dụng cho nền kinh tế. Mặt khác, còn tạo điều kiện cho buôn lậu vàng”.

“Thừa thắng xông lên”

Ông Sanh còn cho rằng, dự trữ ngoại tệ trong dân còn lớn hơn vàng. Vì từ hơn chục năm nay, giao dịch ngay ở trong nước bằng USD đã dễ hơn giao dịch bằng vàng. Giá USD cũng ít chênh lệch giữa mua và bán hơn giá vàng, tiện cho cất trữ.

Riêng Tp.HCM, Tổng cục Thống kê cho biết, vốn huy động đến cuối năm 2008 ước đạt 561.500 tỉ đồng. Trong đó vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 29,2% tổng vốn huy động, tức khoảng 163.958 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa quy đổi tương đương 10 tỉ USD tiền của tổ chức kinh tế, người dân bỏ trong ngân hàng, riêng trên địa bàn Tp.HCM.

Vẫn chưa có số liệu chính thức về tổng nguồn vốn huy động của cả nước năm 2008, nhưng theo số liệu tính toán của một số tổ chức công bố, thì vốn huy động của cả nước năm 2008 khoảng 1.200 ngàn tỉ đồng. Nếu số vốn trên có khoảng 30% là ngoại tệ, như tỷ lệ của Tp.HCM, thì số tiền bằng ngoại tệ tương đương 360 ngàn tỉ đồng, tức khoảng gần 20 tỉ USD, theo tính toán của ông Sanh. Đó mới chỉ là số tiền của dân bỏ trong ngân hàng…

Nếu có chính sách phù hợp để toàn bộ số ngoại hối này trở nên khả dụng, thì sẽ tạo ra một nguồn lực rất lớn.

Kim Văn - Bích Thủy (SGTT)