Từ vụ Cocobay "vỡ trận": Nhà đầu tư lo lắng vì Condotel vẫn "lửng lơ" pháp lý
Đã nhiều năm Condotel "chào đời" nhưng khung pháp lý cho loại hình này vẫn ở trạng thái lơ lửng, chưa xác định khiến nhiều nhà đầu tư bối rối
Còn nhớ, hồi tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 11/CT-TTg, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (Condotel), biệt thự du lịch (Resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (Officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê… hoàn thành trong quý 3/2019.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (Condotel, Resort, Officetel…) theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý 3/2019.
Tuy nhiên, dù đã sang đến nửa quý 4, các bộ ngành vẫn chưa có động thái mới nào trong việc ban hành các quy định liên quan tới pháp lý của các loại hình bất động sản mới này.
Sự việc Cocobay vỡ trận cam kết lợi nhuận gây rúng động giới đầu tư những ngày vừa qua thì vấn đề về khung pháp lý, quy chuẩn cho loại hình này lại tiếp tục được "xới" lên.
Bộ Xây dựng còn chờ Bộ Tài nguyên Môi trường
Lý giải vì sao 3 năm qua Condotel vẫn lơ lửng tính pháp lý, tại Diễn đàn bất động sản diễn ra ngày 27/11, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã rất khẩn trương xác định các vấn đề vướng mắc, chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. "Đến hôm nay đã có nhiều nhà đầu tư vướng trong câu chuyện đầu tư Condotel nguyên nhân do chúng ta chưa xác định rõ Condotel là cái gì?", ông Khởi nói.
Ông Khởi xác định, có 3 vấn đề với loại hình này. Thứ nhất là về chế độ sử dụng đất, thứ hai là quy định công nhận quyền sở hữu loại hình Condotel, thứ ba là quản lý vận hành. Mở rộng thêm thì còn có vấn đề về thỏa thuận lợi nhuận, cam kết của chủ đầu tư với khách hàng.
Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho 3 bộ (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch), trong đó Bộ Xây dựng có 2 nhiệm vụ, thứ nhất là khẩn trương ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn về Condotel, Officetel.
Ông Khởi khẳng định, Bộ Xây dựng đang soạn thảo nghiên cứu và sẽ sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn này. Không phải Bộ "đá bóng" trách nhiệm, song Condotel liên quan đến nhiều bộ, ngành khác, không chỉ riêng Bộ Xây dựng.
Tháng 10 vừa qua Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về chế độ sử dụng đất với loại hình này. Sau khi có quy chế sử dụng đất thì Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy định. "Chắc chắn trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy chuẩn cho loại hình này, không chỉ Condotel mà cả Officetel nữa", ông Khởi khẳng định.
Tuy nhiên, thời gian tới cụ thể là khi nào thì vẫn là một câu hỏi làm nhức lòng giới đầu tư cả sơ cấp và thứ cấp.
Ở góc độ chuyên gia, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần ban hành các chính sách về Condotel và Officetel càng nhanh càng tốt để tạo lập thị trường minh bạch, bớt rủi ro hơn.
Theo ông Chung, nên tính toán hạn chế việc "chạy đua" lãi suất cao tới 12 - 14% trong đầu tư condotel. "Tôi cho rằng lãi suất trên 10% hay 12% chỉ là những dự án đắc địa, của những doanh nghiệp thành công. Còn những doanh nghiệp bình thường và những dự án không đặc biệt thì không thể nào đạt được mức cam kết đó và nhà đầu tư cần tỉnh táo trong những trường hợp này", ông Chung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay: "Pháp lý Condotel 3 năm nay chúng ta đã nói rồi, Thủ tướng chỉ đạo nhiều nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa hoàn thiện pháp lý cho loại hình này. Cơ quan quản lý Nhà nước cần trả lời rõ hơn sao 3 năm rồi chưa làm được điều đó?".
Sẽ lập riêng một Viện nghiên cứu để phục vụ nhà đầu tư
Cũng bàn về chủ đề này, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, sau 3 năm phát triển rầm rộ, đã có tới hàng chục nghìn căn hộ Condotel tung ra thị trường. Thế nhưng, dù đã có nhiều kiến nghị và Thủ tướng cũng đã hai lần chỉ đạo, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp lý rõ ràng, cụ thể nào về loại hình này được ban hành.
Liên quan tới sự việc Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận" về cam kết lãi suất gây sự chú ý của dư luận mấy ngày gần đây, ông Nam nói, đây là một "trục trặc" nhưng không phản ánh toàn bộ thị trường Condotel.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, bản chất của Condotel không có gì sai trái. Thậm chí, hình thức hoạt động, cách huy động vốn của Condotel là rất tốt. Tuy nhiên, điểm cần được cân nhắc, đó là cam kết về lãi suất. Thay vì cam kết mức lãi suất cao ngất ngưởng, các chủ đầu tư chỉ nên đưa ra mức lãi suất "vừa phải".
Mặc dù luật pháp không cấm đoán thỏa thuận lãi suất cao vì đó là thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên, ông Nam lưu ý, doanh nghiệp thường "chạy đua", dùng lãi suất để "đánh" vào lòng tham và sự kém hiểu biết của nhà đầu tư.
"Nếu đầu tư bất động sản condotel mang lại lợi nhuận 8 - 12%/năm mà thực sự không có rủi ro nào thì còn ai gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi suất 7% nữa?", ông Nam nói thêm.
Thời gian tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng sẽ thành lập Viện Nghiên cứu bất động sản để phối hợp cung cấp thông tin thị trường, giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và chính xác hơn. Đây sẽ là một trong những kênh hữu ích với nhà đầu tư trong việc tính toán, lựa chọn đầu tư các loại hình bất động sản, trong đó có Condotel.