20:00 22/10/2023

Tuân thủ tư duy kiến tạo: “Lệ làng” không thể tùy tiện

Lý Hà

Lâu nay câu:“Phép vua thua lệ làng” thường được nhắc đến để nói về sự cấm hoặc thực hiện theo thói quen của một cá nhân hay một tổ chức nào đó không đúng với quy định của pháp luật. Vậy, tư duy “Nhà nước kiến tạo” liệu có thể ngăn chặn được kiểu cấm “lệ làng”đó không?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Phép vua thua lệ làng” là một câu nói từ xưa luôn được áp dụng trong đời sống xã hội. Gần đây nhất, trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, một số tổ chức, địa phương đã đưa ra các quy định chống dịch cực đoan, thường được ví là kiểu cấm theo “lệ làng”.

Mới đây, vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội cũng vậy. Trước nỗi đau thương mất mát quá lớn, một số tổ chức, cơ quan ra ngay quy định cấm sạc, cấm để xe điện ở chung cư khiến nhiều người dân lo lắng. Khi kiểu “lệ làng” đó không phục vụ cho lợi ích số đông, cho sự phát triển thì đương nhiên sẽ bị chính người dân phản đối.

“LỆ LÀNG” ĐƯỢC GỌI LÀ VĂN DƯỚI LUẬT

Các nhà nghiên cứu làng Việt cổ cho biết “lệ làng” gồm những hương ước, khoán ước - nói nôm na đó là những quy ước, điều lệ chi tiết thiên về phong tục của một cộng đồng chung sống trong một khu vực. Nó được hiểu như là bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Tuy nhiên, “lệ làng” không thể trái ngược về căn bản với phép nước.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, cho biết từ thời Hồng Đức, pháp luật đã quy định: lệ làng phải do những người có chức quan trong làng soạn; lệ soạn, giao ước xong phải trình lên quan địa phương duyệt. Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính nói rõ: “Khoán ước định xong, dân làng ký kết, có nơi đem trình quan xin chữ phê để làm luật nhất định cho làng” và “trừ các việc lớn đã có phép của Nhà nước, còn việc nhỏ trong dân thôn thi hành lẫn nhau”. Như vậy, có thể hiểu “phép vua” và “lệ làng” trong xã hội phong kiến có tác dụng hỗ trợ và bổ sung cho nhau để quản lý xã hội. Còn theo cách hiểu ngày nay “lệ làng” giống như là “văn bản dưới luật”.

Quan niệm “lệ làng” xưa là như vậy, còn “lệ làng” bây giờ được các phương tiện truyền thông thường ngầm hiểu đó là các quy định cấm do không quản được. Ví như một số tổ chức, khu chung cư… tự đưa ra những quy định cấm ngay cả những việc mà họ cho rằng đó là nguyên nhân gây ra sự cố mà chưa nhìn sâu và xa hơn.

Đơn cử như xe điện thành ngay vật “tế thần”: cấm gửi, cấm để, cấm sạc của các tổ chức, cá nhân, chủ chung cư nhà trọ, mặc dù cơ quan chuyên môn chưa kết luận nó là nguyên nhân gây cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tuân thủ tư duy kiến tạo: “Lệ làng” không thể tùy tiện - Ảnh 1

Nói về nguyên nhân gây cháy giai đoạn 2012-2020, Bộ Công an cho biết có hơn 27.500 vụ cháy. Trong đó, khoảng 14.200 vụ cháy xảy có nguyên nhân do sự cố hệ thống điện, chiếm 51,9%; cháy do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu khí đốt chiếm 26%, cháy chưa xác định rõ nguyên nhân chiếm khoảng 10,3%, cháy do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chiếm 3,7%.

Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022”, cho biết tại quận Hoàng Mai, từ năm 2020-2022 xảy ra 461 vụ liên quan đến cháy nổ, 1 vụ cháy thiệt hại về người và của. Nguyên nhân cháy chủ yếu do chập điện chiếm 80%.

Tương tự nguyên nhân cháy chung cư mini nói trên được xác định là do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện bình ắc-quy thuộc phần đầu xe mô-tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường gây cháy.

Sau đó cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công-tơ điện gắn trên tường phía nam tầng 1 và cháy lan ra chung quanh. Như vậy, tỷ lệ cháy hầu hết do điện nhưng rất may là chưa có “lệ làng” nào cấm sử dụng điện.

Lại nói về vụ ngộ độc thực phẩm ngày 11/9/2023 làm 313 người phải nhập viện khi họ dùng bánh mì của một thương hiệu nổi tiếng. Khi phân tích nguyên nhân ngộ độc mới biết rằng “lệ làng” của bà chủ thực hiện 34 năm nay.

Theo đó: quy trình nhập nguyên liệu, chế biến, bán hàng luôn được giám sát từng ngày, thực phẩm mua từ các mối quen. Phép nước đã có những quy định rất chặt chẽ về đảm bảo mức độ an toàn thực phẩm nhưng do nhập từ “các mối quen” nên bà chủ có thể đã lơ là các quy định? Cho nên, sai một li sẽ đi một dặm.

“LỆ LÀNG” PHẢI THEO TƯ DUY KIẾN TẠO

Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, câu “Phép vua thua lệ làng” có thể xuất hiện trong thời kỳ phong kiến, khi chiến tranh, loạn lạc, người dân ly tán, khổ cực. “Phép vua” lúc đó tùy lúc, tùy nơi ít có hiệu lực hoặc không có hiệu lực…

Mặt khác, “phép vua thua lệ làng” có thể được hiểu Nhà nước (vua) phải tôn trọng phong tục, tập quán tốt đẹp của từng vùng, lãnh thổ (làng), tức là nhập gia tùy tục, đến nơi nào phải tuân theo phong tục, luật tục nơi đó thì đây chắc hẳn không có gì phải bàn…

Ngày nay cũng vậy, các “lệ làng” phải thực sự là các văn bản dưới luật, phục vụ cho lợi ích cộng đồng, cho an sinh xã hội. Không thể đưa ra “lệ làng” ảnh hưởng đến đời sống, đến an sinh của người dân, đến sự phát triển chung của xã hội… Không để thói quen xấu biến thành “lệ làng” của bất cứ tổ chức, của cá nhân nào đó rồi từ đó coi nhẹ phép nước.

Muốn vậy, đội ngũ những người có thể đưa ra “lệ làng” cần phải thay đổi tư duy theo hướng từ “Nhà nước cai trị” sang “ Nhà nước kiến tạo”. Đó cũng là Nhà nước vì dân, do dân mà những năm gần đây chúng ta thường nói tới. Đội ngũ đó là những công chức chuyên nghiệp, có thể là các nhà chính trị do dân bầu, đội ngũ các nhà kỹ trị, người đứng đầu một tổ chức hoặc chủ một doanh nghiệp…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2023 phát hành ngày 23-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tuân thủ tư duy kiến tạo: “Lệ làng” không thể tùy tiện - Ảnh 2