21:48 19/11/2021

Tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19

Phúc Minh

Lễ tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tử vong, hy sinh do đại dịch Covid-19 đã diễn ra tối 19/11 tại TP. HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước…

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm.

Vào lúc 20h ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TP. HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.

Diễn ra tại điểm cầu TP. HCM và Thủ đô Hà Nội, cùng với đó là một số điểm cầu truyền hình tại các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh..., buổi lễ nhằm tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta.

Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, trong khó khăn hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, đồng bào, chan chứa yêu thương, lay động lòng người: Những ATM gạo, ATM oxy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “suất ăn miễn phí”, nhường cơm xẻ áo cho nhau trong lúc khó khăn, thiếu thốn.  

Hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục nghìn tỷ đồng để mua vaccine tiêm miễn phí cho người dân.

Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh…

“Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng nghìn thầy thuốc, cán bộ, chiến sỹ, Tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở…bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.

Người dân tham gia lễ tưởng niệm. Ảnh - VGP. 
Người dân tham gia lễ tưởng niệm. Ảnh - VGP. 

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người.

“Nỗi đau đến tột cùng nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm, cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói và cho hay, đại dịch “tràn qua” cũng để lại hàng nghìn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ.

Đến nay, cơ bản nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh, cả nước đang nỗ lực cao nhất để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng "không hoang mang, hốt hoảng".

Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.

“Những em bé sinh ra trong thời kỳ bùng phát đợt dịch thứ ba, thứ tư đã biết lẫy, biết ngồi. Cuộc sống tiếp tục sinh sôi, nảy nở; đang dần trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cả nước sẽ biến đau thương thành hành động, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.