09:53 14/05/2022

Tụt theo thế giới, giá vàng miếng “bốc hơi” nửa triệu đồng mỗi lượng

Điệp Vũ

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá vàng quốc tế đã “bốc hơi” 165 USD/oz, tương đương giảm khoảng 8,3%. Trong cùng khoảng thời gian, giá vàng miếng SJC bán lẻ chỉ giảm 300.000 đồng/lượng, tương đương giảm hơn 0,4%...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới hoàn tất tuần giảm thứ tư liên tiếp, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (14/5) không thể duy trì mốc 70 triệu đồng/lượng. Đà tăng mạnh của đồng USD được coi là “thủ phạm” chính dẫn tới tình trạng tụt giá liên tiếp của kim loại quý này.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 9,3 USD/oz, tương đương giảm hơn 0,5%, còn 1.813,2 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 50,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Cả tuần này, giá vàng thế giới giảm khoảng 4%.

Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá vàng quốc tế đã “bốc hơi” 165 USD/oz, tương đương giảm khoảng 8,3%. Trong cùng khoảng thời gian, giá vàng miếng SJC bán lẻ chỉ giảm 300.000 đồng/lượng, tương đương giảm hơn 0,4%. Đó là lý do vì sao chênh lệch giữa giá vàng miếng và giá vàng thế giới bị đẩy lên mức kỷ lục 19 triệu đồng/lượng hiện nay, so với mức chênh 15 triệu đồng/lượng cách đây 1 tháng.

Vàng được định giá bằng USD, nên khi USD tăng giá, vàng thường chịu áp lực mất giá, và ngược lại.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở gần mức 104,5 điểm, tăng gần 0,8% trong tuần này và tăng xấp xỉ 4% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Phiên ngày thứ Năm, có lúc chỉ số này đạt gần 105 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002. Đến nay, Dollar Index đã tăng 6 tuần không nghỉ.

Ngoài ra, vàng – kênh đầu tư không mang lãi suất – còn đương đầu với sức ép giảm giá từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Vai trò kênh đầu tư chống lạm phát và phòng ngừa rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế của vàng dường như khó phát huy ở thời điểm hiện tại, vì nhà đầu tư nghĩ nhiều hơn đến lãi suất tăng và tỷ giá đồng USD tăng.

Sau đợt tăng lãi suất đầu tiên với bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3, Fed đã có thêm một đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5 này. Dự kiến, ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tất cả các cuộc họp chính sách còn lại của năm nay.

Hôm thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa thể hiện quyết tâm chống lạm phát khi nói rằng cuộc chiến để đưa lạm phát về tầm kiểm soát “bao gồm một số nỗi đau” về tăng trưởng kinh tế.

“Giá vàng đang bị đẩy xuống vì Fed cam kết nâng lãi suất với tốc độ nhanh và ngoài ra, đồng USD đang rất mạnh”, Giám đốc giao dịch kim loại quý David Meger của High Ridge Futures nhận định. “Thời gian tới, các số liệu về lạm phát sẽ là điều mà thị trường theo dõi chặt chẽ”.

Ngoài ra, nhà phân tích cấp cao Jim Wycoff của Kitco cho rằng sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày thứ Sáu càng khiến vàng kém hấp dẫn.

Trong nước, giá vàng miếng SJC bán lẻ tại Hà Nội lúc gần 10h trưa nay theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 68,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,5 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 650.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,3 triệu đồng/lượng và 55,05 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,7 triệu đồng/lượng và 69,7 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 600.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn từ 18,8-19 triệu đồng/lượng.