Nếu Fed “ăn mừng” quá sớm, kinh tế Mỹ có thể suy thoái 2 đáy
Rủi ro lớn hơn nằm ở chỗ Fed “ăn mừng” chiến thắng lạm phát quá sớm và giảm tốc việc nâng lãi suất, dẫn tới lạm phát bùng nổ trở lại, kéo theo một cuộc suy thoái sâu hơn và lâu hơn...
Sau một thời gian dài chần chừ vì cho rằng lạm phát chỉ là “tạm thời”, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã hạ quyết tâm chống lại đà leo thang của giá cả.
Theo trang CNN Business, lần gần đây nhất khi đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay, Fed đã tăng lãi suất mạnh tay, dẫn tới hệ quả là nền kinh tế Mỹ liên tiếp rơi vào suy thoái. Một câu hỏi đặt ra liệu lần này, Fed có khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào tình trạng tương tự như hồi thập niên 1980 hay không?
SUY THOÁI KÉP - KỊCH BẢN ĐEN TỐI
Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế đang lo rằng Fed có thể công bố chiến thắng quá sớm trong cuộc chiến lạm phát, nhất là sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell vào hôm thứ Tư tuần trước tuyên bố rằng Fed không định tăng lãi suất quyết liệt hơn. Sau khi Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm, ông Powell nói Fed “hiện không nghĩ nhiều đến bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm”. Trước đó, thị trường đã tính đến khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6.
Từ năm 2000 đến nay, Fed chưa khi nào tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong một lần. Bước nhảy 0,75 điểm phần trăm chưa từng được Fed áp dụng kể từ năm 1994.
Theo dự báo, Fed có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong một vài cuộc họp tới đây, trong đó mức tăng như vậy gần như là chắc chắn trong cuộc họp tháng 6. Theo một số nhà quan sát, việc Fed nâng lãi suất với tiến độ như vậy có thể gây ra một cuộc suy thoái nhẹ tại Mỹ trong năm 2023.
Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn nằm ở chỗ Fed “ăn mừng” chiến thắng lạm phát quá sớm và giảm tốc việc nâng lãi suất, dẫn tới lạm phát bùng nổ trở lại, kéo theo một cuộc suy thoái sâu hơn và lâu hơn.
Suy thoái như vậy là suy thoái kép hoặc suy thoái hai đáy (double-dip recession) - một kịch bản đen tối mà Phố Wall đang tính đến.
Hồi năm 1980, nền kinh tế Mỹ có một cuộc suy thoái ngắn, chỉ kéo dài 6 tháng. Nhưng sau đó là một cuộc suy thoái kéo dài tới 16 tháng, từ mùa hè năm 1981 đến mùa thu năm 1982.
“Suy thoái kép là một khả năng có thể trở thành hiện thực nếu Fed quá dè dặt để thực sự đưa lạm phát về tầm kiểm soát”, chiến lược gia trưởng toàn cầu Seema Shah của Principle Global Investors nhận định.
“Fed cần làm việc gì đó thực sự quyết liệt. Nếu họ dừng thắt chặt quá sớm, lạm phát sẽ có cơ hội ‘bốc đầu’ trở lại. Những gì đã xảy ra vào đầu những năm 1980 là một bài học”, bà Shah nói.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp của Fed vào tuần trước, ông Powell bày tỏ tin tưởng rằng Fed có thể tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là việc nâng lãi suất có thể làm giảm tốc nhưng sẽ không làm chệch hướng hoàn toàn tăng trưởng kinh tế.
Theo CNN Business, giới chuyên gia nghi ngờ sự lạc quan này của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
“Nền kinh tế hạ cánh cứng là một khả năng rõ rành rành và chúng ta cần chuẩn bị cho điều đó”, nhà sáng lập Daniel Dolan của công ty tư vấn Dolan McEniry nhận định. “Khả năng suy thoái kép đang được tính đến”.
"MUỐN 'HẠ CÁNH MỀM', PHẢI QUYẾT LIỆT"
Nhiều chuyên gia cũng tin rằng Fed cần nhấn mạnh với nhà đầu tư và người tiêu dùng về sự cần thiết phải kiên nhẫn. Ngay cả trong trường hợp lạm phát sớm được đưa vào tầm kiểm soát, vẫn sẽ phải mất vài tháng trước khi việc Fed nâng lãi suất có tác động thực sự đến giá cả và tiêu dùng.
“Chính sách tiền tệ là một công cụ rất tù, và sẽ phải mất một thời gian để xem việc tăng lãi suất có tác dụng như thế nào”, chuyên gia kinh tế trưởng John Leer của Morning Consult nhận xét. “Xem lãi suất ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán là một chuyện, nhưng cũng phải xem việc nâng lãi suất sẽ ngấm dần ra sao vào toàn bộ nền kinh tế”.
Nếu Fed nghiêng về thận trọng và duy trì việc nâng lãi suất trong một khoảng thời gian dài, nền kinh tế chắc chắn sẽ giảm tốc. Nhưng việc đó cũng làm gia tăng khả năng rút ngắn thời gian và làm giảm độ sâu của một cuộc suy thoái nếu có, vì việc tăng lãi suất nhiều hơn sẽ làm được điều mà Fed muốn: chặn lạm phát cho tới khi tốc độ tăng giá hạ về mức độ bình thường hơn và dễ kiểm soát hơn, dao động từ 2-3% mỗi năm.
Nỗi lo ở đây là Fed có thể dừng việc tăng lãi suất lại quá sớm nếu Fed cảm thấy rằng việc đưa lạm phát về 3-4% đã là đủ để giữ vững nền kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng nếu Fed dừng ở đó, hệ quả sẽ là một cuộc suy thoái còn sâu hơn.
“Suy thoái kép là điều mà chúng ta cần nghĩ đến như một kịch bản tiềm tàng. Không có gì phải nghi ngờ cả”, chiến lược gia trưởng Dean Smith của FolioBeyond nhận định. “Trong vấn đề chống lạm phát, niềm tin đến từ đâu? Chẳng có bằng chứng nào cho thấy Fed có thể kiểm soát tốt mọi thứ. Lạm phát hiện chưa được kiểm soát. Các duy nhất để giải quyết vấn đề là nâng lãi suất cho tới khi gây ra tổn thất kinh tế”.
Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia tin rằng Fed có thể dẫn dắt mọi việc trơn tru và đưa nền kinh tế “hạ cánh” an toàn. Ông Powell đã được Phố Wall khen ngợi vì sự rõ ràng của ông về những gì Fed sẽ làm và sẽ không làm. Bởi vậy, sẽ không có bất kỳ một sự “bí hiểm” về những đợt tăng lãi suất của Fed trong tương lai.
“Có cơ hội để Fed tạo ra một cuộc ‘hạ cánh mềm’, chiến lược gia Mona Mahajan của Edward Jones nhận định. “Nhưng Fed sẽ phải hành động thật quyết liệt, và nền kinh tế Mỹ đã qua một thời gian dài không trải qua chu kỳ nâng lãi suất nào nhanh đến như vậy. Vì thế cần phải chờ xem có xảy ra sự nứt gãy nào không”.