Tỷ giá bắt đầu nóng ran
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong trường hợp cần thiết, sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Như Vneconomy đã đưa tin, sau vài ngày hạ nhiệt, tỷ giá trung tâm giữa USD và VND do Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên mức 23.069 đồng, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Tính từ đầu năm 2019, tỷ giá này đã tăng khoảng 1,05%.
Nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài liên quan đến những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng quan ngại về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực và leo thang.
Tác động từ cặp USD/CNY
Thời gian gần đây, để bù trừ cho sự tăng giá hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY), qua đó giảm bớt giá thành trên thị trường. Trong tháng 5 này, CNY đã giảm giá khoảng 3%, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á. Hôm thứ Sáu tuần trước, CNY giảm quá ngưỡng 6,9 tệ đổi 1 USD lần đầu tiên trong năm nay.
Vừa qua, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) tiếp tục công bố một danh sách các mặt hàng có tổng kim ngạch khoảng 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm, bao gồm từ quần áo và đồ chơi trẻ em, cho tới điện thoại di động và máy tính xách tay, dự kiến sẽ bị ông Trump áp thuế trừng phạt 25%.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), nếu động thái trên từ phía Mỹ chính thức được thực thi, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, đồng CNY theo đó sẽ tiếp tục suy yếu so với USD.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Tổng Cục thống kê báo cáo, 4 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị thương mại song phương đạt 32,7 tỷ USD (Việt Nam xuất khẩu 22,3 tỷ USD sang Trung Quốc). Do đó, việc CNY giảm giá sẽ tạo áp lực giảm giá lớn lên VND.
Với tình hình thế giới biến động, USD cũng tăng so với nhiều đồng tiền khác nên VND cũng không phải ngoại lệ. Do đó, việc tỷ giá trung tâm tăng liên tục và lập đỉnh có thể hiểu là do Ngân hàng Nhà nước không thể kìm hãm.
Ngưỡng 24.000 đồng
Trong dòng chảy thông tin hiện nay, bắt đầu có biểu hiện quan ngại khi gắn với khả năng tỷ giá VND/USD sẽ vượt ngưỡng 24.000 đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dự báo mang tính bảo thủ thì tiền đồng mất giá khoảng 3%. Tại thời điểm 31/12/2018, tỷ giá trên thị trường tự do là 23.172 đồng đổi 1 USD, hiện tại là 23.396 đồng, tương ứng mức tăng 0,8%, chưa đến 1%. Nghĩa là từ giờ đến cuối năm sẽ tăng đâu đó khoảng 2%.
"24.000 đồng là ngưỡng kháng cự rất mạnh của tiền đồng để không bị mất giá quá mức này", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, "những với biến động hiện tại thì khó có thể nói chính xác được".
Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ giá năm nay sẽ vẫn giao động trong mục tiêu kiểm soát từ đầu năm nhờ các yếu tố nền tảng trong nước như dự trữ ngoại hối (65,5 tỷ USD), cung – cầu ngoại tệ khá vững, mặc dù áp lực từ thị trường quốc tế vẫn có thể khiến tỷ giá dao động.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
"Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", vị lãnh đạo trên nói.
Cơ chế đưa ra là một liều thuốc mạnh, nhưng nếu trong trường hợp cần thiết xảy ra thật, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hút một lượng VND vào, điều này sẽ tạo áp lực khan hiếm tiền đồng trên thị trường và tăng lãi suất. Đây không phải chỉ là bài toán đối ngoại trong quan hệ mậu dịch với các nước trên thế giới của Ngân hàng Nhà nước mà còn là bài toán đối nội.
Do đó, giới chuyên gia nhận định, 2019 sẽ là một năm điều hành chính sách tiền tệ rất áp lực khi tỷ giá còn liên quan tới hàng loạt biến số vĩ mô khác như nợ công, xuất nhập khẩu, mục tiêu kiểm soát lạm phát…