10:12 23/11/2022

Tỷ giá có thể nguôi ngoai nhưng lãi suất là vấn đề cần được lưu ý

Vũ Phong

Đây là nhận đinh của TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia tại Đối thoại "Điều hành tỷ giá USD-VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức...

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. Ảnh: Hồng Vinh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. Ảnh: Hồng Vinh.

Theo ông Nghĩa, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm dự kiến không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua khi Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành kịp thời, chính xác.

Đồng thời, sức ép lên tỷ giá cũng được giảm bởi các yếu tố khác như chỉ số đồng USD có dấu hiệu tạo đỉnh. Với tình hình lạm phát Mỹ hiện nay, Fed sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Theo đó, trong phiên họp chính sách tới đây, có thể mức độ tăng lãi suất sẽ giảm từ 0,75 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, dần dần giảm xuống 0,25%.

"Sức ép tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm cộng với FDI giải ngân tăng tốt và cán cân thanh toán thặng dư là cơ hội để Việt Nam giữ được tỷ giá hối đoái ở mức 10% trong năm nay, thậm chí đến giữa năm 2023", ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, cùng với sự hạ nhiệt của USD, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đây là cơ hội để Việt Nam xem lại lãi suất với các doanh nghiệp.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất", ông Nghĩa nhìn nhận.

Ông Nghĩa giải thích thêm hiện nay, 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngay kể cả những doanh nghiệp cẩn trọng trong kinh doanh, tài chính đều rất khó tiếp cận vốn.

Theo tính toán của các chuyên gia, tính cả lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước hút về qua kênh bán ngoại tệ và lượng vốn đầu tư công khoảng 900.000 tỷ đồng Bộ Tài chính hút về đang nằm trong các ngân hàng thì nền kinh tế đã bị rút về 1,5 triệu tỷ đồng.  

Đồng thời, cần giải phóng số vốn đầu tư công chưa thể giải ngân. Theo đó, có thể tạm ứng cho các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư công để có cơ sở triển khai dự án. Ngoài ra, có thể trích một phần trong nguồn vốn đầu tư công để thành lập khẩn trương quỹ bão lãnh trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu.

“Đấy là những việc tôi nghĩ cần làm. Các bạn phải xuống doanh nghiệp mới thấy họ khó khăn thế nào. Mấy ngày nay, biểu hiện trên thị trường chứng khoán đó là việc các ông chủ phải bán giải chấp cổ phiếu, giá bất động sản giảm tới 50%. Những khó khăn đó càng đến nhanh và gần nếu không kịp thời xử lý”, ông Nghĩa nhấn mạnh.