11:34 21/11/2022

Doanh nghiệp chật vật, xoay xở vì biến động tỷ giá

Ánh Tuyết

Tỷ giá biến động mạnh trong mấy tháng gần đây thực sự tạo "cú sốc" với doanh nghiệp nhập khẩu. Mặc dù lĩnh vực xuất khẩu hưởng lợi nhưng bức tranh của nền kinh tế không khỏa lấp được những hậu quả nặng nề do chi phí tăng thêm bởi tỷ giá. Việc Chính phủ lựa chọn mục tiêu kiểm soát tỷ giá và lạm phát cho thấy đây là hướng đi đúng nhưng sẽ chịu tổn thất lớn bởi sản xuất đình trệ...

Toàn cảnh Đối thoại: “Điều hành tỷ giá USD-VNĐ: Ổn định kinh tế vĩ mô” tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Toàn cảnh Đối thoại: “Điều hành tỷ giá USD-VNĐ: Ổn định kinh tế vĩ mô” tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Sau một năm thăng hoa nhờ tận dụng cơ hội thị trường thế giới, đặc biệt là giá thép liên tiếp lập đỉnh, ngành thép gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD, với mức tăng xuất khẩu ấn tượng 124,3% so với năm 2020. Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu ngành thép giảm tốc mạnh, lợi nhuận đi lùi, thậm chí nhiều doanh nghiệp gánh lỗ nặng, bởi chi phí đầu vào tăng cao trong khi nhu cầu, sản lượng bán hàng tụt dốc, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn, chưa kể sức ép từ lãi suất vay, tỷ giá…

NGÀNH THÉP LAO ĐAO VÌ NHU CẦU GIẢM VÀ TỶ GIÁ TĂNG

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính chung 9 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép, giảm sâu 34,4% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, giảm mạnh 22,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Về nhập khẩu, lũy kế 9 tháng, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,93 triệu tấn với trị giá hơn 9,56 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng lại tăng 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp chật vật, xoay xở vì biến động tỷ giá - Ảnh 1

Như vậy, sau năm 2021 xuất siêu, 9 tháng đầu năm 2022, nhập siêu sắt thép quay trở lại với con số gần 2,5 triệu tấn. Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do giúp ngành thép đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhưng khó khăn vẫn hiện rõ khi đây là ngành vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu vui mừng khi tỷ giá tăng thì những doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thép lại đau đầu, vì giờ đây mỗi container hàng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiếp tục gánh thêm chi phí do tỷ giá tăng. Điều này khiến giá thành tăng, lợi nhuận tụt lùi, dẫn đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm sút.

ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam tại Đối thoại ngày 21/11/2022. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam tại Đối thoại ngày 21/11/2022. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Chia sẻ tại Đối thoại: “Điều hành tỷ giá USD-VNĐ: Ổn định kinh tế vĩ mô” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, thừa nhận rằng năm 2022 thực sự khó khăn với ngành thép.

Trong những khó khăn bủa vây, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam khẳng định áp lực tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành thép. “Khi tỷ giá tăng sẽ thuận lợi trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, với ngành thép, thị trường chính của Việt Nam vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần”, ông Thảo cho hay.

Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thép phần lớn đều phải nhập khẩu, khi tỷ giá tăng ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung và với Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng. 

Khó khăn còn tăng thêm khi mà để kiềm chế tỷ giá, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải tăng lãi suất.

Chính động thái tăng lãi suất là tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt với doanh nghiệp ngành thép.

Tính chung trong quý 3/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sa sút đáng kể.

Các doanh nghiệp sản xuất thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hàng tồn kho cao, giá than cốc lên cao và lỗ tỷ giá do đồng VND mất giá so với USD làm tăng chi phí đầu vào nhưng giá bán thấp.

HƯỞNG LỢI VÌ XUẤT KHẨU KỶ LỤC

Trái ngược với ngành thép, năm nay, ở nhiều thời điểm, giá phân bón tăng mạnh trong vòng 50 năm qua và hoạt động xuất khẩu cũng thuận lợi, đánh dấu một kỷ lục mới.

Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, xuất khẩu nông nghiệp cầm chắc 50 tỷ USD nghiêng về xuất siêu trong năm nay; đồng thời, lần đầu tiên ngành phân bón có thể đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD với sản lượng 1,7 triệu tấn...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47 phát hành ngày 21-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp chật vật, xoay xở vì biến động tỷ giá - Ảnh 2