Tỷ giá đồng Rúp so với Euro vọt lên đỉnh 5 năm
Tình hình trên thị trường tiền tệ Nga đã ổn định trong mấy tuần gần đây và đồng Rúp tiếp tục vững giá do nguồn cung ngoại tệ vượt nhu cầu...
Tỷ giá đồng Rúp Nga so với USD tiếp tục tăng và Rúp so với đồng tiền chung châu Âu Euro đạt mức cao nhất gần 5 năm trong phiên giao dịch ngày 16/7, nhờ tiếp tục được hỗ trợ bởi các biện pháp hạn chế giao dịch cũng như việc Liên minh châu Âu (EU) “bật đèn xanh” để các quốc gia trong khối tiếp tục mua khí đốt Nga.
Từ đầu năm đến nay, Rúp Nga là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới, với tỷ giá Rúp so với USD đã tăng khoảng 13%. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng đây chẳng qua là nhờ sự can thiệp của Chính phủ Nga bằng các biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hôm 24/2, tỷ giá đồng Rúp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 121,5 Rúp đổi 1 USD. Đến hiện tại, tỷ giá Rúp đã tăng gần gấp đôi so với mức đáy đó.
Bên cạnh các biện pháp kiểm soát vốn và tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), một số chuyên gia cho rằng đồng Rúp còn được hỗ trợ khi hồi tháng 3, ông Putin ký sắc lệnh yêu cầu các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng đồng Rúp khi mua khí đốt Nga.
Sau một thời gian phản đối yêu cầu này của Nga, Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/5 đã “bật đèn xanh” để các nước trong khối tiếp tục mua khí đốt Nga.
Nhà phân tích Alexander Dzhioev của Alfa Capital nói với Reuters rằng tình hình trên thị trường tiền tệ Nga đã ổn định trong mấy tuần gần đây và đồng Rúp tiếp tục vững giá do nguồn cung ngoại tệ vượt nhu cầu.
Dữ liệu do CBR công bố ngày 16/5 cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của Nga tăng gấp hơn 3 lần trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, đạt 95,8 tỷ USD, nhờ thu xuất khẩu tăng mạnh trong khi chi cho xuất khẩu giảm mạnh.
Theo ước tính của Bloomberg Economics, ngay cả khi Nga tiếp tục bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu, nước này vẫn thu về gần 321 tỷ USD xuất khẩu năng lượng trong năm nay, tăng hơn 1/3 so với năm 2021.
“Có vẻ như tỷ giá đồng Rúp vẫn chưa tìm được một điểm cân bằng”, ông Dzhioev nhận định.
Trong phiên giao dịch ngày 16/5, đồng Rúp có lúc tăng giá 1,5% so với USD, đạt 63,59 Rúp đổi 1 USD, gần mức đỉnh kể từ đầu tháng 2/2020 là 62,625 Rúp đổi 1 USD thiết lập vào hôm thứ Sáu tuần trước.
“Các biện pháp kiểm soát vốn hiện nay đã đưa đồng Rúp quay trở lại mức tỷ giá trước đại dịch Covid-19”, một báo cáo của Rosbank nhấn mạnh. Theo các nhà phân tích của ngân hàng này, Rúp có thể giảm giá trở lại, về ngưỡng 90 Rúp đổi 1 USD vào cuối năm nay.
Tỷ giá Rúp so với Euro có lúc tăng 1,6% trong phiên ngày 16/5, đạt 66,05 Rúp đổi 1 USD, gần mức đỉnh kể từ tháng 6/2017 là 64,9425 Rúp đổi 1 USD thiết lập vào hôm thứ Sáu vừa rồi.
Ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư toàn cầu vẫn lo ngại về cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây cũng như những biện pháp trừng phạt tiếp theo mà Moscow có thể phải hứng chịu. Tuy nhiên, Nga đã hạn chế được một phần ảnh hưởng của sự trừng phạt đối với nền kinh tế của nước này, đặc biệt là đối với tỷ giá đồng nội tệ, bằng cách yêu cầu các công ty xuất khẩu chuyển đổi ngoại tệ sang Rúp, bên cạnh các biện pháp hạn chế khác.
Thị trường chứng khoán Nga cũng tăng điểm trong phiên ngày 16/5, với chỉ số RTS tính bằng đồng USD tăng 3% và chỉ số MOEX tính bằng đồng Rúp tăng 2%.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, RTS đã tăng gần 27% và MOEX tăng gần 1%. Nếu so với thời điểm đầu năm, RTS hiện giảm gần 28% và MOEX mất gần 39% điểm số.