13:14 13/02/2023

Tỷ giá hạ nhiệt nhưng vẫn canh cánh nỗi lo

Phan Linh

Các chuyên gia đánh giá năm 2023, câu chuyện tỷ giá của Việt Nam chưa thể nguội bớt, thay vào đó vẫn phải canh cánh nỗi lo về chính sách lãi suất của Fed và khả năng hồi phục của khu vực xuất khẩu để góp phần cải thiện cán cân thanh toán...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Năm 2022, nền kinh tế đối mặt với cú sốc tỷ giá. Đã có lúc, VND mất giá cao so với USD (mất gần 9%) trong tháng 11/2022. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định tỷ giá như bán dự trữ ngoại hối, nới rộng biên độ tỷ giá, nâng lãi suất VND, hút bớt VND qua kênh tín phiếu... Theo đó, nhà điều hành tăng biên độ giao dịch tỷ giá từ mức +3% lên +5% từ ngày 17/10/2022.

LINH HOẠT TRONG ĐIỀU HÀNH

Từ tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành bán ngoại tệ, giảm dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm từ gần 110 tỷ USD vào cuối tháng 1/2022 xuống còn khoảng 89 tỷ USD vào cuối tháng 12/2022. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức xấp xỉ với khuyến nghị của IMF (3 tháng nhập khẩu).

Tại thời điểm cuối năm 2022, VND mất giá khoảng 3,5% so với đồng USD, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực như: PHP (-8,31%); CNY (-8,41%); EUR (-5,73%); GBP (-10,57%); JP (-12,91%)…

Tỷ giá hạ nhiệt nhưng vẫn canh cánh nỗi lo - Ảnh 1

Kể từ tuần thứ 3 của tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành mua ngoại tệ với tỷ giá tham khảo ở mức 23.450 VND/USD. Thị trường ghi nhận hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán khá mạnh, quy mô lên tới khoảng 3 tỷ USD chỉ trong thời gian ngắn.

Ngày 1/2/2023, Fed đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,5-4,75%, đúng như dự báo của thị trường. Đây là lần nâng lãi suất thứ 8 của Fed trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ tháng 3/2022. Sau động thái của Fed, đồng bạc xanh có diễn biến tăng giảm đan xen, chỉ số US Dollar Index (DXY) ở quanh mốc 103,47.

Ở trong nước, nhiều ngân thương mại cho biết sau Tết Nguyên đán, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa không nhiều nên cầu ngoại tệ giảm, vì thế, tỷ giá VND/USD biến động nhưng không đáng kể dù Mỹ vừa tăng thêm lãi suất vào đầu tháng 2.

Năm 2023, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị gia tăng. Tuy nhiên, khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát giảm bớt, tỷ giá USD/VND sẽ dần ổn định.

Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá được củng cố, như: năm 2022, thặng dư cán cân thương mại tăng cao; giải ngân vốn FDI năm 2022 cao nhất trong 5 năm; Việt Nam nằm trong top 10 nhận kiều hối năm 2022 và dự báo tiếp tục tăng khoảng 4% trong năm 2023…

Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD).

Năm 2022, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.

Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,81 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,49 tỷ USD, chiếm 6,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 6,5%.

Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư thực hiện cho biết, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng 5% trong năm 2021, tăng gần 5% trong năm 2022 và dự báo tăng 3,6 - 4,5% trong năm 2023. Mức tăng năm 2022 tương đương khoảng 1 tỷ USD, đạt gần 19 tỷ USD, giúp Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Kiều hối giúp cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán của Việt Nam, tạo điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, nhận định rằng việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể sẽ là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi của lĩnh vực du lịch sau đại dịch có thể sẽ hỗ trợ cho VND. Đáng chú ý, sự hồi phục gần đây của đồng nhân dân tệ (CNY) có thể sẽ dẫn đến VND tăng giá do mối tương quan chặt chẽ.

Nguồn: GSO, Bộ Tài chính, NHNN.
Nguồn: GSO, Bộ Tài chính, NHNN.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7-2023 phát hành ngày 13-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tỷ giá hạ nhiệt nhưng vẫn canh cánh nỗi lo - Ảnh 2