06:00 24/01/2023

Áp lực giảm, tỷ giá USD/VND quay về chuỗi ngày ổn định

Khoảng 2 tháng cuối năm 2022, thị trường ngoại tệ liên tiếp đón nhận những tin vui từ cả trong lẫn ngoài nước, cộng thêm quan điểm điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, căng thẳng tỷ giá nhanh chóng khép lại. Đến nay, đã có một vài quan điểm lạc quan cho rằng chuỗi ngày ổn định của tỷ giá USD/VND sẽ còn kéo dài trong cả năm 2023...

Từ đầu tháng 11, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại, chợ đen và liên ngân hàng bắt đầu chuỗi ngày giảm giá. Ghi nhận tại ngày 16/12/2022, tỷ giá USD/VND chỉ còn dao động quanh mức 23.500-23.700 VND/USD. Như vậy, việc giảm hơn 6% trong vòng hai tuần gần nhất đã khiến giá bán USD trên kênh ngân hàng hiện chỉ còn tăng hơn 3% so với cuối năm 2021.

Trước đó, giá USD đã có lúc tăng lên mức cao nhất lịch sử. Tại thị trường tự do, ngày 31/10, giá USD vọt lên 25.450 VND. Đồng thời, bất chấp việc được nới biên độ dao động quanh tỷ giá trung tâm từ +/- 3% lên +/-5%, giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng liên tục áp sát trần mà Ngân hàng Nhà nước quy định, tức trên 24.880 VND/USD.

SÓNG GIÓ ĐẾN DỒN DẬP

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng cao. Cụ thể, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới tiếp tục bị tác động mạnh bởi cuộc xung đột ở Ukraine dẫn đến áp lực tăng giá năng lượng và thực phẩm. Thực tế, giá hàng hóa, lạm phát thế giới tăng mạnh, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn tiếp diễn và lan rộng trên toàn cầu. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất mục tiêu của Fed vào khoảng 3,75-4%, kéo theo sự sụt giảm của hầu hết các đồng tiền trên thế giới (đồng Yên Nhật mất giá 35%, Euro 15%, Bảng Anh 13%...).

Đối với thị trường ngoại hối trong nước, nếu như giai đoạn trước đây dòng vốn vào Việt Nam tăng mạnh (thông qua các kênh kiều hối; đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp; vay nợ nước ngoài), thì nay do xu hướng đảo chiều của dòng vốn trên thế giới, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện dòng tiền chuyển ra nước ngoài. Điều này tạo sức ép lên nguồn cung ngoại tệ của hệ thống ngân hàng, tạo ra sự chênh lệch tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức và thị trường tự do.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của thị trường ngoại tệ đã làm xuất hiện các hành vi của một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mua, bán ngoại tệ trái phép, chuyển tiền Việt Nam ra nước ngoài gây bất ổn cho thị trường ngoại tệ, làm ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Để đảm bảo thị trường ngoại tệ hoạt động ổn định, cung cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp.

LỰA CHỌN ĐÚNG HƯỚNG

Ngân hàng Nhà nước sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ như kích hoạt lại kênh bơm hút tiền trên thị trường mở để kiểm soát cung tiền tốt hơn; bán can thiệp ngoại tệ ở mức độ vừa phải đề ổn định tỷ giá và tài trợ cho các nhu cầu ngoại tệ lớn của doanh nghiệp; tăng liên tiếp 2 lần lãi suất điều hành với cường độ rất lớn 1%/năm; chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm và nới lỏng biên độ từ +/- 3% lên mức +/-5%...

Điều đáng nói, mọi hành động đều có tính hai mặt. Việc ổn định tỷ giá cũng đồng nghĩa hút tiền về và làm chậm tiến trình hồi phục kinh tế sau Covid-19. Bài toán lựa chọn giữa ổn định tỷ giá hay ổn định lãi suất hoặc giữa kiềm chế lạm phát hay phát triển kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng.

Tuy nhiên, một vị chuyên gia cho rằng: “Thời điểm đó, tỷ giá USD/VND như phòng tuyến Sông Cầu. Ngân hàng Nhà nước hiểu rất rõ rằng, nếu phòng tuyến này bị vỡ thì các mục tiêu đề ra hồi đầu năm sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Việt Nam phải tìm cách để giữ tỷ giá USD/VND duy trì ổn định”.

Áp lực giảm, tỷ giá USD/VND quay về chuỗi ngày ổn định - Ảnh 1

Tại kỳ họp Quốc hội gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Cụ thể, để ổn định tỷ giá thì phải chấp nhận lãi suất tăng”. Việc lựa chọn tỷ giá được Thống đốc lý giải rằng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của từng giai đoạn, nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Hiện tại ổn định thị trường ngoại hối có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh việc đồng bộ các chính sách tiền tệ, thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi một loạt các tin vui như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng đầu năm đạt 19,68 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái; nguồn kiều hối vẫn tích cực, riêng tại TP.HCM ước đạt khoảng 6,8 tỷ USD; cán cân thương mại thặng dư 10,68 tỷ USD… Đặc biệt, lạm phát ở Mỹ đã giảm, vì vậy trong lần tăng lãi suất gần nhất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp bước nhảy xuống còn 0,5 điểm phần trăm, thay vì các bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trước đó.

Với lợi thế và việc tổng lực tấn công, kể từ đầu tháng 11/2022, tỷ giá USD/VND chính thức quay về xu hướng ổn định như đã nêu.

KỲ VỌNG QUÃNG ỔN ĐỊNH KÉO DÀI

Trong diễn biến gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái mới. Theo đó, sau hơn 3 tháng tạm dừng, Ngân hàng Nhà nước đã quay trở lại hoạt động mua ngoại tệ với việc đưa ra giá chào ở mức 23.450 đồng/USD.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước chào mua USD trở lại xuất phát từ việc dòng ngoại tệ vào thị trường giai đoạn này đã có sự cải thiện đáng kể so với đầu tháng 11. Kéo theo đó, nhà điều hành tiền tệ đang cho thấy sự tự tin về dòng ngoại tệ trong giai đoạn tới đi kèm với khả năng có thể tiến hành mua bổ sung dự trữ ngoại hối vốn đã giảm sút mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Cùng quan điểm, Công ty Chứng khoán VnDirect đánh giá, Việt Nam đang có nhiều lợi thế trên thị trường ngoại hối. Theo đó, trong năm 2023, thặng dư thương mại có để đạt mức 12 tỷ USD, từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 10,4 tỷ USD trong năm 2022; tài khoản vãng lai chuyển sang thặng dư ở mức 0,4% GDP vào năm 2023 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,3% GDP trong năm 2022. Do đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 3,0 tháng nhập khẩu và đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023 từ mức hiện tại là 89 tỷ USD.

Thậm chí, nhóm nghiên cứu tại VnDirect cũng dự báo áp lực mất giá của đồng VND sẽ giảm đáng kể từ quý 2/2023 và đồng VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023, do Fed chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa” vào năm tới.

Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tâm lý đầu cơ găm giữ tỷ giá đã giảm đi đáng kể, do cuộc cạnh tranh lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại. Với nguồn cung ngoại tệ cuối năm dồi dào hơn ở khía cạnh kiều hối, giải ngân FDI, thặng dư cán cân thương mại, thì xu hướng trong ngắn hạn đang ủng hộ sự ổn định của đồng Việt Nam. Với việc khởi động lại kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, VDSC cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để tích trữ lại dự trữ ngoại hối sau một giai đoạn sụt giảm mạnh.

Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, cho hay thời gian tới, cơ quan này sẽ cố gắng ổn định tỷ giá USD/VND và cân bằng với các yếu tố vĩ mô khác. Định hướng quản lý thị trường ngoại hối theo 4 nhóm.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ, toàn diện để các ngân hàng triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo, phổ biến, các ngân hàng thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý ngoại hối; Tổ chức tập huấn cho các ngân hàng về các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý thị trường ngoại tệ.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ chức và cá nhân hiểu và thực hiện tốt quy định về quản lý ngoại hối.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Áp lực giảm, tỷ giá USD/VND quay về chuỗi ngày ổn định - Ảnh 2