16:36 02/03/2011

Tỷ giá, lãi suất, lạm phát và nỗi niềm doanh nghiệp

Nguyên Hà

Căng thẳng, đau đầu, khó dự báo… là những thán từ xuất hiện dày đặc khi VnEconomy trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp phía Nam

Nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ...
Nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ...
Căng thẳng, đau đầu, khó dự báo… là những thán từ xuất hiện dày đặc khi VnEconomy trao đổi với lãnh đạo một số doanh nghiệp phía Nam, ngay tại thời điểm Chính phủ vừa phát đi thông điệp mạnh mẽ về kiềm chế lạm phát.

Không dám coi bảng báo giá

“Năm 2011, chúng tôi chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 50 tỷ đồng, chưa bằng một nửa năm 2010”, ông Nguyễn Văn Lừng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chia sẻ những nguyên nhân khiến cho “tình hình hiện tại rất căng thẳng”. Trước hết đó là sự bấp bênh do 95% nguồn nguyên liệu là nhập khẩu, trong khi giá cả biến động khôn lường.

“Khó nhất là ngoại tệ, doanh nghiệp gần như không thể mua được theo giá của Ngân hàng Nhà nước đã công bố”, ông Lừng than thở.

Vừa rời cuộc họp với Ban giám đốc công ty, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Lừng cho hay tần số các cuộc họp nhiều chóng mặt, song việc điều chỉnh kế hoạch năm 2011 vẫn “rất đau đầu”.

Chỉ trong một buổi sáng, công ty đã nhận được thông báo của vài chục đối tác về tăng giá nguyên liệu, ít nhất cũng thêm 15%. Trước đây mức giá ổn định tới theo thời gian nhất định còn bây giờ thì theo số lượng, hết số lượng đó là phải mua giá khác.

“Nhiều khi Tổng giám đốc không dám coi bảng báo giá, vì coi nhiều sốt ruột”, vị Phó tổng giám đốc tỏ ra đồng cảm với sếp của mình.

Mục tiêu lớn nhất của Tường An tại thời điểm này, theo ông Nguyễn Văn Lừng, là giữ thị trường chứ không phải kiếm lời. Doanh nghiệp đang dồn sức chiếm khách hàng từng giờ từng phút, rải nhân viên giữ từng cái kệ ở chợ, kệ nào trống phải nhảy vô ngay để bán hàng của mình. Và vị Phó tổng giám đốc gọi đây là “cuộc chiến giữ đất” vì nhiều khi không tránh khỏi xô xát đáng tiếc.

Đuối, vẫn phải cố

Dù xin lỗi vì trễ giờ hẹn, song chưa vội đi vào nội dung chính của cuộc trao đổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Đức Mười đã “xả” ngay những bức xúc về giá.

Đồng thời, vị Tổng giám đốc này cũng tức thời cung cấp một văn bản liên quan đến giá cả vừa được gửi tới UBND Tp.HCM và một số cơ quan chức năng khác. Theo đó, những diễn biến phức tạp về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, tỷ giá ngoại tệ… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chi phí sản xuất và khả năng bình ổn giá của Vissan.

Tổng giám đốc Mười cũng cho biết, mặc dù UBND Tp.HCM đã can thiệp, đề nghị  Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ mua theo tỷ giá chính thức nhưng trong quá trình thanh toán các đơn hàng của Vissan vẫn phải mua theo giá thỏa thuận với các ngân hàng thương mại. Và chi phí chênh lệch về tỷ giá công ty phải chi tăng thêm trong thời gian qua là 952,2 triệu đồng.

Việc tham gia giữ bình ổn giá đang là áp lực đối với mọi hoạt động và khiến công ty “hơi bị đuối”, ông Mười không né tránh thực tế. Bởi vậy, sau 31/3 (hết thời hạn cam kết cũ), phải có mặt bằng giá mới thì doanh nghiệp mới có thể tiếp tục cam kết bình ổn, ông cho biết.

Công ty này cũng đã dự kiến ngày 28/3 sẽ công bố điều chỉnh các sản phẩm Visssan tăng 15% (sau 6 tháng giữ nguyên) và được áp dụng từ ngày 1/4/2011.

Theo phân tích của Tổng giám đốc Mười thì hiện giá sản phẩm Vissan vẫn thấp hơn nhiều sản phẩm cùng loại đến 33%. Do đó nếu chỉ tăng 15% vẫn giữ được chữ tín với người tiêu dùng và đảm bảo tăng trưởng của doanh nghiệp.

“Hôm trước tôi tham gia hội chợ ở Hà Nội, có vị lãnh đạo cấp cao hỏi VND mất giá, hàng Việt có ảnh hưởng gì không? Ảnh hưởng rất rõ ràng chứ, ví dụ con heo thoạt nhìn thì là hàng nội, nhưng thức ăn cho nó là hàng ngoại nhập đã tăng giá đến 7, 8 lần rồi, hỏi sao không ảnh hưởng cho được”, ông Mười “ấm ức”.

Ai sao mình vậy...

Tuy không quá “căng” về ngoại tệ do tỷ trọng xuất khẩu lớn, song “sẽ rất khó khăn” vẫn là nhận định của Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar, Dược sỹ Huỳnh Thị Lan về công chuyện làm ăn trong thời gian tới.

Theo bà Lan, cứ nói giá USD lên,giá thuốc lên theo liền thì không phải và kinh doanh thuốc bây giờ cũng không phải là “siêu lợi nhuận” như dư luận. Bởi cơ cấu giá thành được kiểm tra rất kỹ.

“Bí quyết” để ổn định giá được bà Lan “tiết lộ”, là tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo để đầu tư cho chất lượng, vì quảng cáo rất tốn kém.

Nhìn rộng ra cả thị trường dược vốn có nhiều tai tiếng, bà Lan cho rằng với tuyệt đại đa số nguyên liệu nhập khẩu, để bình ổn được là rất khó, song không phải không thể làm được. Hiện nay tỷ lệ thuốc ngoại dùng cho bảo hiểm y tế còn rất cao, trong khi hoàn toàn có thể thay thế bằng sản phẩm nội cùng loại.

Vì thế, một trong những cách hữu hiệu theo vị nữ Tổng giám đốc này là sử dụng hoàn toàn thuốc nội cho bảo hiểm y tế, vì giá mềm hơn rất nhiều so với thuốc ngoại, nhưng chất lượng không thể nói là kém hơn.

“Không thể nói thuốc rẻ chất lượng xấu”, bà Lan quả quyết.

Từ thực tế đang xuất khẩu sản phẩm đi Mỹ, Nga và nhiều nước khác trên thế giới, bà Lan đặt câu hỏi, thuốc Việt Nam người nước ngoài xài được, tại sao người Việt Nam không xài được?

Quay trở lại những thách thức của doanh nghiệp trong giai đoạn được coi là “rất cam go” này, vị nữ Tổng giám đốc Mekophar lại tỏ ra lạc quan hơn nhiều “đấng mày râu”.

“Khó khăn là khó khăn chung, ai sao mình vậy, chả có chuyện gì hết, quan trọng là giữ sự bình ổn cho chính cán bộ công nhân viên của mình”, bà Lan nói trên đường đưa chúng tôi đi thăm quan dây chuyền sản xuất, ngân hàng tế bào gốc và nhà bếp của công ty.