19:15 16/03/2016

“Tỷ giá rủi ro đáng kể, lãi suất còn nhiều dư địa chính sách”

Thu Thủy

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý trong báo cáo vừa công bố

Nguồn: CEIC, VCBS.
Nguồn: CEIC, VCBS.
Lãi suất chịu áp lực tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước còn nhiều dư địa chính sách và biện pháp điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong báo cáo phân tích vừa được công bố.
 
Cũng theo VCBS, thị trường ngoại hối và tỷ giá hạ nhiệt, kỳ vọng sẽ duy trì ổn định ít nhất đến hết quý 1/2016. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá trong cả năm 2016 vẫn ở mức đáng kể.

“Tỷ giá ổn định ít nhất hết quý 1/2016”

Báo cáo nhìn nhận, áp lực tỷ giá đến từ phía thế giới đã có phần lắng dịu, ít nhất là trong ngắn hạn, khi đồng USD có thể sẽ tiếp tục mạnh lên nhưng mức độ tăng sẽ không bứt phá như cùng kỳ 2015.

Từ phía trong nước, hàng loạt những biện pháp và quy định mới trong việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng trong việc bình ổn thị trường như hạ lãi suất USD, áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm hàng ngày...

Xét trên góc độ cung cầu, trong quý 1/2016, theo VCBS, nguồn cung ngoại tệ được đánh giá là tương đối dồi dào với nhờ vốn FDI giải ngân đạt 1,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, trong khi lượng lớn kiều hối thường tập trung vào giai đoạn này (lượng kiều hối 2015 dự báo đạt khoảng 13 - 14 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 865 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, cùng với một số thương vụ đầu tư nước ngoài với giá trị lớn vào doanh nghiệp Việt Nam được ghi nhận.
 
Ở chiều ngược lại, cầu ngoại tệ sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm 2015 cũng dịu lại trong những tháng đầu năm 2016.

“Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá và thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định ít nhất đến hết quý 1/2016. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tận dụng cơ hội để mua vào ngoại tệ, tăng cường dự trữ ngoại hối và tạo thêm thanh khoản cho VND”, báo cáo nhìn nhận.

Tuy vậy, VCBS duy trì đánh giá về rủi ro tỷ giá ở mức đáng kể trong cả năm 2016.

“Với những chỉ báo không thực sự tích cực về tăng trưởng, chúng tôi không loại trừ khả năng việc giảm giá VND có thể sẽ là một trong những công cụ được cân nhắc để giảm bớt áp lực lên lãi suất đồng nội tệ, hỗ trợ xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế”.

“Tỷ giá rủi ro đáng kể, lãi suất còn nhiều dư địa chính sách” 1

Lãi suất có thể tăng thêm 0,5%

Theo VCBS, trong hai tháng đầu năm 2016, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng nhẹ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn. Mặc dù vậy, mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì.

Cụ thể, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,4% - 6,8%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6% - 8%/năm.

Trong khi đó, do đặc thù thường biến động sau lãi suất huy động một thời gian, mặt bằng lãi suất cho vay không có nhiều biến động so với cuối năm 2015.

Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 6% - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

VCBS cho rằng việc lãi suất huy động tăng nhẹ trở lại là không bất ngờ trong bối cảnh lãi suất VND chịu khá nhiều áp lực.

Điều này được lý giải bởi lạm phát tăng trở lại, mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp nhưng kỳ vọng sẽ cao hơn khá nhiều so với con số thấp kỷ lục của năm 2015.

Cùng với đó là những lo ngại về rủi ro giảm giá của VND trong năm 2016 vẫn hiện hữu. Trong khi đó, một số diễn biến của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua cũng thúc đẩy nhu cầu tăng cường huy động vốn.

Đặc biệt là tăng trưởng huy động (13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (17,3% trong năm 2015) kéo theo tỷ lệ cho vay so với vốn huy động (LDR) của một số ngân hàng ở mức khá cao.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa chính sách và biện pháp điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất. Hơn thế nữa, với những phân tích ở phần trên về tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại, chúng tôi duy trì kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được định hướng và duy trì ở mức thấp hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng”.

“Theo đó, chúng tôi không thay đổi dự báo về mức tăng nhẹ khoảng 50 điểm cơ bản của mặt bằng lãi suất trong cả năm 2016”, báo cáo nêu quan điểm.