Tỷ giá trung tâm USD/VND lại phá đỉnh
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài liên quan đến những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Hôm nay (20/5), tỷ giá trung tâm giữa đồng USD với VND do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục tăng lên 15 đồng.
Theo đó, sau vài ngày hạ nhiệt, tỷ giá trung tâm đã lên mức 23.069 đồng, đây cũng là mức cao nhất kể từ trước đến nay. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,05%.
Ngay sau động thái trên, biểu tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức có phản ứng.
Cụ thể, giá niêm yết tại Vietcombank sáng nay nhảy lên 23.375 đồng và 23.495 đồng, tương ứng giá mua và bán, tăng mạnh 45 đồng cả 2 chiều mua và bán so với mức niêm yết cuối tuần trước.
Còn tại Vietinbank, giá bán ra đồng bạc xanh được đẩy lên 23.485 đồng, trong khi mua vào ở mức 23.365 đồng. Các ngân hàng thương mại khác như Eximbank, Techcombank, Sacombank hay SCB cũng nâng giá bán ra USD lên khoảng 23.470-23.480 đồng, giá mua vào thấp hơn chiều bán khoảng100-120 đồng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.390 đồng (mua vào) và 23.420 đồng (bán ra), tăng 40 đồng so với hôm thứ Sáu.
Mới đây, tại báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 4, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2019, tỷ giá thị trường có xu hướng tăng và sau đó là tăng nhanh từ 6/5 chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài liên quan đến những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng quan ngại về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực và leo thang.
Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Chính phủ về từng bước hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, đồng thời để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo bốn hướng.
Thứ nhất, không quy định thời hạn đối với nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Thứ hai, tiếp tục cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Thứ ba, dừng cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay từ sau ngày 31/3/2019.
Thứ tư, cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay đến hết ngày 30/9/2019.