10:40 03/05/2013

Tỷ lệ thất nghiệp: “Thêm một số 0 vẫn đúng”

Nguyễn Lê

Vẫn là những con số thống kê khá cũ, song lo ngại đã được đẩy lên một cấp độ mới

Con số thất nghiệp thực sự tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.<br>
Con số thất nghiệp thực sự tại Việt Nam hiện nay vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.<br>
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi khi tham gia phiên họp thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ do Ủy ban Kinh tế tổ chức mới đây, đã nhấn mạnh rằng ông rất băn khoăn về số liệu khi nhìn vào hệ thống chỉ tiêu được nêu tại báo cáo này.

Và con số được ông chọn để phân tích cũng nằm trong quan ngại của không ít đại biểu, ở các cơ quan khác nhau của Quốc hội. Đó là số lao động được tạo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động ở thành thị.

Theo báo cáo của Chính phủ, các con số về GDP, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2012 đều giảm so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm ngoái. Riêng số lao động được tạo việc làm lại tăng (1,52 triệu/1,515 triệu) và tỷ lệ thất nghiệp giảm khá nhiều (từ 3,63 xuống 3,25%).

Liên quan đến các con số này, ngay từ đầu năm 2009,  Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa 12, ông Đặng Như Lợi khi trao đổi với VnEconomy đã quả quyết con số tạo việc làm mới không có cơ sở cả về lý thuyết và thực tiễn, khi tăng trưởng kinh tế giảm, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nhưng việc làm vẫn cứ tăng.

Tròn một năm trước, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch cũng nói với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh là “không bao giờ tin con số giải quyết việc làm năm nào cũng 1,5 - 1,6 triệu ”.

Bởi, vấn đề này đã được đại biểu Lịch nêu tại Quốc hội nhiệm kỳ trước, và câu trả lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khi đó là: “Việt Nam không tính được bao nhiêu việc làm mới tạo ra trong một năm”.

Ông Lịch đã kiến nghị Chính phủ bằng các công cụ kỹ thuật phải tính chính xác được số lao động được tạo việc làm mới, còn nếu kinh tế cỡ nào cũng giải quyết việc làm cỡ 1,5 - 1,6 triệu thì Quốc hội quyết làm gì chỉ tiêu này.

Tại bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế phát hành trung tuần tháng 3 năm nay, sự vận động trái chiều khi nền kinh tế được đánh giá là suy giảm, song số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê qua ba chỉ số chính: tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ thiếu việc làm và thu nhập, tiền lương vẫn được “cải thiện nhẹ” được nhấn mạnh là “nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia phân tích” và “khó lý giải trong bối cảnh khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.

Trao đổi với VnEconomy tại thời điểm đó, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng các con số về tiền lương, thất nghiệp đều có vấn đề. Và số lao động được tạo việc làm mới hoàn toàn chỉ khoảng 1,2 triệu chứ không thể là 1,6 triệu.

Với cả quá trình theo dõi liên tục, ở phiên thẩm tra nói trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ra hàng loạt con số: GDP tăng trưởng cao nhất vào 2006 là 8,23%, thấp nhất là 2012 là 5,03%; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đỉnh cao là 2007 với 46,5% , 2012 còn 28,5%; doanh nghiệp liên tục khó khăn giảm sút giải thể, đỉnh cao cũng rơi vào 2012, nhưng giải quyết việc làm giảm không đáng kể, vẫn là 1,52 triệu người.

Quả quyết “đây là vấn đề”, ông Lợi tiếp tục bày tỏ sự rất băn khoăn khi con số thất nghiệp cũng giảm đi, còn có 3,25% (chỉ tiêu Quốc hội quyết là 4%).

“Rất đáng lưu ý là tỷ lệ của lao động khu vực phi chính thức liên tục tăng lên so các năm, 2010 có 34,6% đến 2012 là 36,6% , điều này nói lên là lao động khu vực chính thức mất việc làm chuyển dần qua khu vực phi chính thức, nhưng giải quyết việc làm vẫn đảm bảo”, ông Lợi phát biểu.

Đồng ý với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng làm sao có thể đạt được chỉ tieu giải quyết việc làm khi tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội chỉ còn 28,5 %, thấp nhất nhiều năm gần đây. Rồi tăng trưởng cũng giảm, một loạt các chỉ tiêu khác không đạt. “Cần làm rõ để có cơ sở hoạch định chính sách cho phù hợp”, ông Thụ đề nghị.

Cộng thêm thực tế từ chính doanh nghiệp mình, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa quả quyết, con số thất nghiệp “hoàn toàn không chính xác, nếu thêm một số 0 vào vẫn được như thường”.

Ông Hòa nói, nếu tiến hành tái cơ cấu thì chỉ riêng TKV đã dôi dư 40 - 50 nghìn người, và nguồn lực để chuyển công việc cho họ là vấn đề xã hội phải lo, chứ một mình tập đoàn không lo được.

Bàn thì cứ bàn nhưng số liệu không đủ niềm tin thì chính sách sẽ chệch hướng hết. Nhấn mạnh điều này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhắc lại đề nghị Chính phủ rà soát lại số liệu và tiêu chí đánh giá các chỉ tiêu của nhiều chuyên gia kinh tế.

"Một cán bộ cục thống kê địa phương gặp tôi ở nước ngoài thì thầm là địa phương cũng chỉ đạo sửa số liệu được", ông Phúc kể.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói, chỉ riêng huyện của một tỉnh miền Tây mà ông ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2012 có 1.500 lao động đi lao động ở Tp.HCM về quê vì không có việc làm, quý 1/2013 thêm 1.000 người mất việc nữa, và mất việc nhiều thì sẽ sinh ra tệ nạn xã hội.

“Đích thân tôi đi rất nhiều tỉnh miền Tây, không đồng chí nào kêu với tôi là thất nghiệp gây xáo trộn ảnh hưởng gì đến nông thôn miền Tây, vì lao động cho nhu cầu của địa phương còn thiếu”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa hồi âm ngay.

Ông Hòa cũng khẳng định 1,52 triệu lao động được tạo việc làm của 2012 tại báo cáo Chính phủ là con số hợp lý, thấp hơn số của các địa phương thống kê lên. "Cũng có tình trạng mất việc chỗ này đi làm ở chỗ khác, mấy chục nghìn các doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể là siêu nhỏ thôi, số lượng lao động không lớn, trong khi các doanh nghiệp đăng ký tuyển mới rất nhiều", ông Hòa lý giải.

Tỷ lệ thất nghiệp 3,25% cũng được ông Hòa khẳng định là “đáng tin cậy”.

Đồng tình với Thứ trưởng Hoà, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định nhìn chung nhu cầu việc làm vẫn cao, các khu vực hút lao động khá lớn là xuất khẩu, chế biến nông sản, và khối FDI.

Quý 1/2013, thu ngân sách chung từ nền kinh tế tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái thì riêng FDI tăng 28%, vẫn duy trì tăng việc làm, ông Tuấn thông tin thêm.