Úc siết luật về cạnh tranh kỹ thuật số, Big Tech có thể bị phạt 33 triệu USD
Quá trình tham vấn dự kiến kết thúc vào ngày 14/2 và sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn nữa để chuẩn bị dự thảo luật…
Ngày 2/12, Chính phủ Úc đã đề xuất một đạo luật mới đối với các công ty công nghệ toàn cầu nếu họ vi phạm các quy tắc về cạnh tranh cũng như ngăn cản việc người tiêu dùng chuyển đổi giữa các dịch vụ. Mức phạt có thể lên tới 33 triệu USD.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ ngân khố quốc gia Stephen Jones cho biết luật đề xuất sẽ trao quyền cho cơ quan quản lý cạnh tranh của Australia giám sát việc tuân thủ, điều tra các hành vi phản cạnh tranh trực tuyến và phạt tiền các công ty.
“Nền kinh tế kỹ thuật số đang thách thức khuôn khổ pháp lý hiện tại của chúng ta. Các nền tảng thống trị có thể tính chi phí cao hơn, giảm sự lựa chọn và sử dụng các chiến thuật lén lút để lôi kéo người tiêu dùng sử dụng một số sản phẩm nhất định".
Quá trình tham vấn dự kiến kết thúc vào ngày 14/2 và sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn nữa để chuẩn bị dự thảo luật. Dự luật được đề xuất có thể có tác động sâu sắc đến cách thức hoạt động của các công ty công nghệ lớn tại quốc gia này.
Dựa trên lời khuyên từ Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc, Chính phủ có thể chọn những nền tảng có nguy cơ gây mất cạnh tranh lớn nhất. Luật mới này sẽ hạn chế các công ty đưa ứng dụng có xếp hạng người dùng thấp của họ lên đầu danh sách tìm kiếm và ngăn cản việc cung cấp ưu đãi cho dịch vụ của chính họ so với các bên thứ ba.
Báo cáo của Ủy ban cạnh tranh về dịch vụ nền tảng kỹ thuật số năm 2022 cho thấy Google kiểm soát 93% đến 95% dịch vụ tìm kiếm trực tuyến ở Úc, trong khi App Store của Apple chiếm khoảng 60% lượt tải xuống ứng dụng và Google Play Store là 40%. Facebook và Instagram của Meta Platforms cùng nhau cung cấp 79% dịch vụ truyền thông xã hội trong nước.
Đạo luật mới của Úc được so sánh tương tự như luật Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu (DMA) đã có hiệu lực vào năm 2023, có thể giúp mọi người thay đổi lựa chọn giữa các dịch vụ đang cạnh tranh với nhau dễ dàng hơn, chẳng hạn như nền tảng truyền thông xã hội, trình duyệt internet và cửa hàng ứng dụng.
Chỉ trong vòng vài tháng, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra cuộc điều tra về Alphabet, Apple và Meta—ba gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon được coi là “người gác cổng” theo đạo luật. Đối với trường hợp của Apple, Ủy ban đang điều tra các hạn chế mà công ty sử dụng để hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Chúng bao gồm các điều khoản ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng hướng khách hàng tránh xa các kênh phân phối và thanh toán tích hợp của App Store. Cuộc điều tra thứ hai xem xét cách Google sử dụng sức ảnh hưởng của mình trên thị trường web và phần mềm để ưu tiên các dịch vụ của mình và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.
Liên quan đến Meta, Ủy ban đang điều tra mô hình quảng cáo "trả tiền hoặc đồng ý" của công ty, theo đó người dùng phải lựa chọn giữa việc cung cấp dữ liệu hoặc trả tiền cho các dịch vụ không có quảng cáo.
Vào tuần trước, Úc cũng đã thông qua luật về việc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Luật mới sẽ yêu cầu các công ty vận hành các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, TikTok, Snapchat, X và Facebook, triển khai các bước để cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng các nền tảng. Tuy nhiên các dịch vụ khác bao gồm cả những dịch vụ có mục đích chính là hỗ trợ sức khỏe và giáo dục cho người dùng sẽ được loại trừ.
Các công ty vi phạm quy định sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 49,5 triệu đô la Australia, tương đương khoảng 32 triệu USD. Trẻ em và các bậc phụ huynh sẽ không bị phạt. Quy định dự kiến sẽ có hiệu lực trong khoảng 1 năm nữa và rrước khi có hiệu lực, Chính phủ Australia dự định sẽ xác định cách xác minh độ tuổi của người dùng.