Ùn tắc nhưng không xả trạm, chưa doanh nghiệp BOT nào bị xử lý
Các quy định về ùn tắc cũng chưa rõ ràng, vì thế, việc áp luật để xử phạt các BOT cố tình không xả trạm vẫn chưa có tiền lệ
Do lưu lượng xe trong Tết tăng mạnh, tại một số trạm thu phí đã xảy ra ùn tắc. Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, nếu ùn ứ trên 700m buộc phải xả trạm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BOT dường như đã phớt lờ yêu cầu này.
Theo phản ánh của người dân, lưu lượng xe tham gia giao thông trong các ngày mồng 2, 3, 4 Tết Nguyên đán Mậu Tuất tăng mạnh, vì thế, tại một số thời điểm trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã xảy ùn tắc. Tuy nhiên, nhà đầu tư BOT cũng không có động thái kịp thời.
Trở lại câu hỏi thế nào là ùn tắc?
Sáng ngày 17/2/2018 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Mậu Tuất), tình trạng ùn tắc kéo dài tại điểm đầu vào BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Lượng xe ùn ứ kéo dài suốt 2 tiếng trước điểm đầu vào trạm, sau khi qua trạm, tình trạng ùn ứ kéo dài khoảng 5 km nữa mới được giải quyết. Một số tài xế tỏ ra bức xúc vì họ trả phí cao để đi cao tốc... tốc độ rùa.
Ông Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cánh sát Giao thông Hà Nội cho biết: vào chiều mùng 3, mùng 4 Tết, các xe ôtô xếp hàng 4, hàng 5 di chuyển chậm chạp qua trạm thu phí, gây ùn ứ giao thông trên 2 km trước trạm thu phí BOT tại km 188 300 trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ.
"Lực lượng Canhts sát Giao thông đã đề nghị đơn vị quản lý xả trạm theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, nhưng đơn vị này đã không thực hiện", ông Đào Vịnh Thắng nói
Lý giải cho tình trạng ùn ứ, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lại cho rằng: nguyên nhân ùn tắc do nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 không thể đáp ứng lưu lượng vận tải quá lớn dồn về cùng một thời điểm, gây ách tắc cho cả khu vực đầu tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
"Tại khu vực trạm thu phí Pháp Vân không xảy ra tình trạng ùn tắc, mỗi phương tiện qua trạm chỉ mất 15 - 20 giây, ùn tắc là do nút giao Pháp Vân chứ không phải do trạm thu phí", ông Khôi cho biết.
Qua sự việc vừa diễn ra, có lẽ đã đến lúc phải xem lại khái niệm thế nào là ùn tắc và ùn tắc trước và sau trạm thu phí thì trách nhiệm nhà đầu tư thế nào?
Còn nhớ, năm 2015, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM Bùi Xuân Cường có nói: "Ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí là xe không di chuyển trong thời gian đó".
Nếu theo khái niệm này, việc không xả trạm của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ hình như là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, xe lưu thông trên tuyến cao tốc này vẫn còn "nhúc nhích" được.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Xuân Mai, Đại học Bách khoa Tp.HCM lại cho rằng: "Phương tiện cứ lần từng bước một thì đó là kẹt xe rồi. Nếu phương tiện di chuyển rất chậm thì gọi là ùn tắc giao thông". Nếu theo khái niệm này, ứng xử của nhiều trạm BOT sẽ phải thay đổi.
Khó mong tự giác xả trạm
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện cho người dân trong dịp Tết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu tất cả các Trạm thu phí BOT trên toàn quốc phải có phương án đảm bảo giao thông, khi ùn tắc 700m tại trạm thu phí mà không tiến hành xả trạm sẽ bị xử phạt, bị cho dừng thu phí từ 1-3 tháng.
Cụ thể, theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt cao nhất đối với trạm thu giá để xảy ra ùn tắc có thể lên đến 70 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng nếu tổ chức vi phạm một trong các hành vi như: tự ý mở rộng, sắp xếp, đào lòng, lề đường, vỉa hè khu vực trạm thu phí...
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã yêu cầu tất cả các Trạm thu giá BOT phải mở thông barie nếu có ùn tắc giao thông xảy ra trước trạm, nhằm đảm bảo các phương tiện lưu thông dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2018 được thuận tiện, nhanh chóng, an toàn.
Trong những ngày qua, đặc biệt là các ngày 12, 13 (tức là 27, 28 Tết), sau đó là các ngày 17, 18, 19, 20 (mồng 2, 3, 4, 5 Tết), tại một số trạm thu phí trên cả nước xuất hiện nhiều điểm ùn tắc. Tuy nhiên, chỉ BOT cầu Rạch Miễu (Bến Tre) xả trạm vào tối 9/2 (tức 24 tháng Chạp).
Hiện nay, các quy định về ùn tắc cũng chưa rõ ràng, vì thế, việc áp luật để xử phạt các BOT cố tình không xả trạm vẫn chưa có tiền lệ.
Còn với doanh nghiệp, đương nhiên với nguồn thu phí lớn, họ cũng không thể từ bỏ. Rõ ràng, từ thực tiễn đến luật còn nhiều khoảng cách, trong khi đó, người dân đang phải đóng rất nhiều loại phí nhưng chưa được phục vụ chu đáo.