22:00 10/01/2025

Ứng dụng GenAI giúp quy mô thị trường ngân hàng tăng tới 340 tỷ USD mỗi năm

Ngô Huyền

Theo báo cáo từ McKinsey, GenAI có khả năng mang lại từ 200-340 tỷ USD mỗi năm cho lĩnh vực ngân hàng, khẳng định tiềm năng to lớn của công nghệ này trong ngành. Hiện nay, mặc dù hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh và quản trị, tuy nhiên chủ yếu mới đang chỉ ở giai đoạn đầu…

Hơn 80% các ngân hàng hàng đầu thế giới đang sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng trực tuyến
Hơn 80% các ngân hàng hàng đầu thế giới đang sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng trực tuyến

Ngày 10/1, hội thảo “Thúc đẩy Cuộc cách mạng AI trong ngành Tài chính - Ngân hàng”, do GreenNode và NVIDIA đồng tổ chức, đã diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia AI trong và ngoài nước cùng đại diện hơn 30 ngân hàng và tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam.

Tại sự kiện, các chuyên gia và đại diện ngân hàng đã có nhiều chia sẻ về xu hướng AI cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ này vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng (BFSI).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Nghiên cứu Công nghệ và Ứng dụng Đổi mới sáng tạo tại Ngân hàng MSB, nhấn mạnh rằng việc áp dụng AI không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc triển khai AI một cách chiến lược và bền vững là một thách thức lớn đối với các tổ chức.

Theo thống kê từ McKinsey, hơn 80% các ngân hàng hàng đầu thế giới đang sử dụng AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng trên nền tảng trực tuyến. Đồng thời, từ 50-80% các ngân hàng lớn cũng đã áp dụng AI vào việc cải thiện sản phẩm, tối ưu hóa dịch vụ tổng đài, phát hiện gian lận, tư vấn tài chính, và đánh giá rủi ro tín dụng… 

Nhìn chung, AI có khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh và vận hành ngân hàng. Theo đó, một trong những ứng dụng phổ biến nhất của AI là trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, thông qua khả năng tự động xử lý yêu cầu và dịch vụ trực tuyến, cá nhân hóa tư vấn tài chính, phát hiện gian lận, và thẩm định rủi ro tín dụng với tốc độ nhanh hơn và độ chính xác cao hơn.

Về phía ngân hàng, việc tích hợp AI vào hành trình sử dụng dịch vụ của khách hàng cũng giúp hệ thống AI của ngân hàng thu thập và phân tích dữ liệu đặc điểm khách hàng, từ đó xây dựng chân dung khách hàng chi tiết, từ đó giúp ngân hàng cải thiện khả năng tương tác và tăng cường mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Các chuyên gia trao đổi về ứng dụng của AI trong hoạt động thực tế tại các ngân hàng 
Các chuyên gia trao đổi về ứng dụng của AI trong hoạt động thực tế tại các ngân hàng 

Bên cạnh đó, AI cũng đang được nhiều ngân hàng ứng dụng để gia tăng hiệu quả kinh doanh. Nhờ vào khả năng phân tích hồ sơ và hành vi khách hàng, các ngân hàng có thể cá nhân hóa đề xuất sản phẩm, tạo ưu đãi phù hợp để thúc đẩy khách hàng chi tiêu; định giá lãi suất linh hoạt nhằm giảm rủi ro tín dụng, đồng thời rút ngắn thời gian tính toán khoản vay. AI cũng có thể đóng vai trò như một trợ lý tài chính, đưa ra các khuyến nghị đầu tư và tư vấn phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.

Trong vận hành, AI hỗ trợ tối ưu hóa dịch vụ, giám sát hoạt động 24/7, và tự động hóa các quy trình thủ tục truyền thống. Nhờ đó, ngân hàng có thể giảm tới 40% thời gian xử lý yêu cầu, tăng 30% năng suất nhân viên, nâng tỷ lệ phát hiện gian lận trung bình lên 10-15% và giảm tổn thất do gian lận từ 5-10%.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Lê Thành, Tổng Giám đốc GreenNode, nhấn mạnh: “Việc ứng dụng AI trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng không chỉ là bệ phóng giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô và tối ưu hóa vận hành, mà còn là chìa khóa nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, ngoài đầu tư vào hạ tầng và ứng dụng AI, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu. Điều này đòi hỏi việc xây dựng các mô hình và quy trình khai thác dữ liệu phải tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế cũng như luật pháp địa phương về quyền riêng tư.”

Bên cạnh những lợi ích, AI cũng mang đến nhiều thách thức về bảo mật. Do đó, các ngân hàng cần thường xuyên kiểm tra và đánh giá năng lực bảo mật của các ứng dụng AI, đồng thời thiết lập các biện pháp phòng ngừa nguy cơ rò rỉ dữ liệu huấn luyện hoặc việc các mô hình AI bị khai thác để trích xuất thông tin nhạy cảm.

Việc đảm bảo tính minh bạch của mô hình AI, hạn chế hiện tượng "ảo giác AI" và đưa ra quyết định chính xác không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả và tuân thủ pháp lý mà còn góp phần củng cố niềm tin từ khách hàng. Đây là yếu tố then chốt đối với ngành tài chính - ngân hàng, nơi yêu cầu các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất