10:41 22/04/2008

USD “phá” thuê ngoài

Minh Sơn

Sự mất giá của USD thời gian gần đây đã kéo ngành công nghiệp outsourcing của Ấn Độ đi xuống trông thấy

Các doanh nhân ngành outsourcing của Ấn Độ có còn ung dung được như thế này?
Các doanh nhân ngành outsourcing của Ấn Độ có còn ung dung được như thế này?
Sự mất giá của USD thời gian gần đây đã kéo ngành công nghiệp outsourcing (thuê ngoài*) của Ấn Độ đi xuống trông thấy.

Những năm gần đây, các bạn hàng outsourcing truyền thống của Ấn Độ đang có xu hướng đi tìm những đối tác khác. Những lý do thường được đưa ra là giá lao động tăng cao và môi trường kinh doanh không còn tin cậy. Nhưng thực ra, vấn đề mấu chốt chính là sự đi xuống của USD, đặc biệt trong thời gian qua, khi sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã kéo USD đi xuống nhanh hơn trước. Trong vòng 5 năm trở lại đây, USD đã mất giá tới 16%.

Sự thay đổi tỷ giá USD có ảnh hưởng sâu sắc đến lợi nhuận của các công ty ở Ấn Độ, bởi tất cả các hợp đồng thuê ngoài của Ấn Độ với các đối tác được thanh toán và thực hiện bằng USD. Ngoài ra từ 60% đến 80% doanh thu của những nhà cung cấp dịch vụ outsourcing Ấn Độ sử dụng đồng tiền này. Trong khi đó, có tới hơn một nửa chi phí đầu vào là bằng đồng Rupi (tiền Ấn Độ).

Khi USD mất giá, doanh thu của các doanh nghiệp outsourcing Ấn Độ sẽ giảm đi, trong khi đó chi phí đầu vào lại thanh toán bằng đồng Rupi, vốn đang lên giá so với USD. Kết quả là lợi nhuận sẽ bị kéo xuống cùng với USD.

Để đối phó với tình hình này, các hãng outsourcing phải tìm ra những phương cách khác nhau. Nhìn chung, đó là chiến lược giảm chi phí đầu vào và tăng giá dịch vụ lên. “Chúng tôi buộc phải nâng giá dịch vụ, bây giờ đã tăng trong khoảng 3% đến 5% so với trước”, ông Azim Premji - Chủ tịch của Wipro - cho biết.

Hệ quả là việc tăng giá dịch vụ outsourcing của các doanh nghiệp Ấn Độ đã làm giảm lợi nhuận cho các công ty “thuê” họ. Trong quá khứ, việc thuê ngoài ở Ấn Độ có thể tiết kiệm cho các công ty ở Bắc Mỹ khoảng 40-50% chi phí nếu làm trong nước. Nhưng con số này trong thời gian gần đây chỉ còn là từ 10-20%. Lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ đã bị giảm đáng kể.

Lợi thế lớn nhất của thuê ngoài là giảm được chi phí so với làm trong nước, nhưng nó cũng có bất lợi, đó là sự chêch lệch múi giờ giữa những nước “nhận” thuê ngoài và những nước “đi” thuê ngoài. Khi mà lợi thế và chi phí giảm đi thì sự chêch lệch về múi giờ bắt đầu được tính đến.

“Nếu chi phí tiết kiệm chỉ còn 10-20% thì nhứng khách hàng sẽ bắt đầu tính đến chi phí do chênh lệch múi giờ. Và họ có xu hướng chọn thuê là trong nước, những nơi có cùng múi giờ với công ty đi thuê”, ông Atul Vashistha, Chủ tịch hãng NeoIT - chuyên về tư vấn và quản lý công nghệ - phân tích.

Tập đoàn Kimberly Clark đã chuyển sang thuê CTS - một công ty công nghệ ở Buenos Aires (Argentina) - cũng vì lý do này. “Chúng tôi chọn Buenos Aires vì nhiều lý do. Một trong số đó là sự gần gũi về địa lý và múi giờ”, ông Ramon F. Baez, Giám đốc Thông tin của Kimberly Clark nói.

“Lợi thế của Ấn Độ trong việc thuê ngoài đang ngày một xói mòn”, một thông báo của hãng Forester năm 2008 phân tích như vậy.

Có thể nói sự mất giá của USD đã tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp gia công phần mềm ở Ấn Độ. Nếu trong tương lai không có nhiều cải thiện thì xu hướng rời bỏ Ấn Độ để tìm kiếm những thị trường khác là tất yếu.

Outsourcing đa quốc gia


Khi Ấn Độ đang mất dần lợi thế độc tôn của mình trong thị trường thuê ngoài, các công ty đi thuê ngoài đang có xu hướng sử dụng dịch vụ outsourcing tại nhiều nước, thay vì chỉ tập trung vào một nước như trước đây.

Với một mạng lưới toàn cầu, công việc có thể chuyển đổi linh hoạt và dễ dàng hơn trước. Đồng thời, có thể phản ứng nhanh hơn với thị trường.

Ngày 31/3 vừa qua, tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell đã thông báo dự án đi thuê ngoài trị giá 4 tỷ USD. Đối tác được chọn là Công ty EDS. Phần lớn công việc trong dự án này sẽ được thực hiện ở 4 nước Hà Lan, Vương Quốc Anh, Malaysia và Mỹ. "Hiện EDS đang thuê khoảng 1.000 người ở Malaysia cho dự án này", người phát ngôn của EDS cho biết.

Hiện tại, những nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài ở Ấn Độ, bao gồm TCS, Wipro, và Inforsys Technology cũng đang cố gắng xây dựng một mạng lưới như vậy. TCS đã quyết định mở rộng địa bàn đến các nước Mỹ La tinh từ 6 năm trước và bây giờ họ đã có 5.571 nhân viên ở Mexico, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Ecuador, và Uruguay. TCS phục vụ các khách hàng như General Motors hay Motorola ở khu vực này.

*Thuê ngoài là một mô hình phổ biến trong kinh doanh - đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin - khi các công ty đưa những công đoạn cuối cùng của một dự án ra nước ngoài để hoàn thiện. Những nước được chọn để thuê ngoài thường là những nước đang phát triển nơi có giá lao động rẻ và công việc không yêu cầu lao động kỹ thuật cao.

(Theo Business Week)