Ưu tiên các nguồn lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Học viện Tài chính phát triển
Học viện Tài chính cần làm rõ hơn mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực; Xác định rõ mô hình phát triển và nghiên cứu thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán mà nhà trường có thế mạnh…
Ngày 19/11, tại Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ ba).
Biểu dương những thành tích của nhà trường, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển là sự kiện lớn của Học viện Tài chính, mở ra một chặng đường phát triển mới;
Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao Học viện đã tập hợp và phát huy được trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các nhà giáo lão thành, các cựu sinh viên góp ý, hiến kế cho Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Học viện tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà trường tới năm 2030 bằng những chương trình, kế hoạch hành động trong từng giai đoạn và từng năm gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong hệ sinh thái Học viện Tài chính.
60 năm hình thành và phát triển của Học viện. Học viện đã đào tạo được khoảng 15.000 nhân lực chất lượng cao cho đất nước, trong đó có trên 500 tiến sĩ, gần 10.000 thạc sĩ kinh tế cho đất nước và nước bạn Lào, Campuchia…
Học viện làm rõ hơn mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Xác định rõ mô hình phát triển; rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phát triển hệ sinh thái nhà trường; nghiên cứu thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán mà nhà trường có thế mạnh.
Học viện không ngừng đổi mới tư duy, tạo ra thay đổi mới để thích ứng với yêu cầu của thời đại; làm mới, phát huy chương trình đào tạo truyền thống, có thế mạnh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ số, tạo ra thay đổi đột phá cả về nội dung, phương pháp và công nghệ đào tạo để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với các trường đại học trong nước và khu vực.
Học viện mạnh dạn xây dựng các chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.
“Học viện Tài chính phải là một trong những đơn vị tiên phong, thực hiện tự chủ đại học hiệu quả nhất, đặc biệt là tự chủ về tài chính; phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển nhà trường. Sớm hình thành mạng lưới cựu sinh viên, cựu giáo chức của trường để tạo ra sức mạnh tổng hợp, coi đây là một thành viên trong hệ sinh thái của trường”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhấn mạnh “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong nguồn lực phát triển nhà trường, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định.
Do đó, Học viện Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Học viện là một trong những trung tâm lớn của cả nước về “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực”, để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo xứng tầm đáp ứng yêu cầu tình hình mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán.
Học viện thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước làm giảng viên thỉnh giảng; đồng thời có chính sách thu hút, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các sinh viên xuất sắc, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có trình độ ngang tầm với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, hợp tác, trao đổi về đào tạo và nghiên cứu; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức vào việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo. Học viện định kỳ tổ chức khảo sát về thị trường việc làm, phân tích, tiếp thu ý kiến phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, ưu tiên các nguồn lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Học viện Tài chính phát triển, có đủ tiềm lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao tri thức phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong 60 năm qua, nhiều sinh viên tiêu biểu của Học viện đã trưởng thành, giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương; rất nhiều người đã và đang là cán bộ nòng cốt của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, tham gia nghiên cứu khoa học; quan tâm, chăm lo cho các sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng Học viện Tài chính 60 bộ máy tính và trang thiết bị phục vụ giảng dạy; trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Phát triển giáo dục Tâm - Tài - Chính của Học viện.
Tại buổi lễ, Học viện công bố quyết thành lập Quỹ Phát triển Giáo dục Tâm - Tài - Chính và vinh danh những Nhà giáo tiêu biểu qua các thế hệ.