Uỷ ban Chứng khoán đưa chứng khoán Kenanga vào kiểm soát đặc biệt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBCK về việc đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt...
Ngày 19/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 326/QĐ-UBCK về việc đặt Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 19/5/2022 đến ngày 18/9/2022.
Công ty Cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS), tiền thân là Công ty cổ phần chứng khoán Vàng Việt Nam, được thành lập ngày 03/12/2007 theo Quyết định số 72/GPHĐKD của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngày 13/11/2008, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần chứng khoán Kenanga Việt nam theo quyết định số 164/UBCK-GP của Uỷ ban chứng khoán nhà nước. KVS cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Cuối năm 2013, Kenanga Việt Nam đã nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt tư cách thành viên giao dịch thị trường niêm yết và thành viên giao dịch thị trường đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE). Đến tháng 9/2015, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã có quyết định ngừng cung cấp hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán đối với Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) do bị Sở Giao dịch chứng khoán chấm dứt tư cách thành viên giao dịch. Điều này đồng nghĩa công ty đã ngưng hoạt động cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư chứng khoán.
Tháng 12/2013, công ty này bị phạt 195 triệu đồng do không tách bạch tiền của nhà đầu tư và tiền của công ty, không tuân thủ quy định về hạn mức đầu tư và báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nội dung sai lệch.
Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa Chứng khoán Kenanga Việt Nam vào diện kiểm soát đặc biệt được quy định tại Điều 16, Thông tư 91/2020/TT-BTC ngày 13/11/2020, quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.
Theo Thông tư này, thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá bốn tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong 4 trường hợp.
Một là, tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%;
Hai là, không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này;
Ba là, không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong hai kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này;
Bốn là, báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số các chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng dưới 120%.
Trước đó một ngày, ngày 18/5/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 110/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Tập đoàn FLC bị phạt 100 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Công ty không công bố thông tin trên hệ thống công bố thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2021 kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2021.
Cơ quan quản lý ngành chứng khoán trở nên mạnh tay hơn với các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây nhằm minh bạch, lành mạnh thị trường sau một thời gian nhiều bê bối liên quan đến các hành vi thao túng giá cổ phiếu bị phát hiện.
Trong cùng ngày 19/5, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM Trần Anh Đào đã có công văn nhắc nhờ hàng loạt doanh nghiệp niêm yết do vi phạm quy định báo cáo và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, có những vi phạm từ tận năm 2020 nay mới bị nhắc nhở.