07:42 19/08/2021

“Vaccine số, kháng thể số" cho doanh nghiệp

Đỗ Phong

Cũng như con người, trước nguy cơ “nhiễm Covid”, các doanh nghiệp cần những phương thức phòng ngừa, những liều “vaccine" giúp tăng sức đề kháng để hạn chế tác động của dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đại dịch Covid-19 với các làn sóng liên tiếp đang tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các số liệu thống kê cho thấy có khoảng 11.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng, hơn 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn.

Trong bối cảnh toàn nền kinh tế xã hội gần như đình trệ do Covid-19, một trong những thách thức khó khăn lớn nhất được các doanh nghiệp nêu ra hiện nay là vấn đề vận chuyển, lưu thông hàng hóa, dòng tiền và tiếp xúc với khách hàng.

Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, có 3 mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp trong thời điểm này là nguồn vốn, miễn giảm, giãn các nghĩa vụ thuế và thúc đẩy tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, 9 vấn đề quan trọng nhất trong bài toán tìm lối ra cho doanh nghiệp trong cơn bão Covid đó là nguồn cầu giảm sút; khó khăn kết nối khách hàng; thiếu hụt nguồn tiền; nguồn cung khan hiếm đắt đỏ và tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe cho người lao động; hạn chế khi vận hành từ xa; cắt giảm chi phí tối đa; logistics vận chuyển; và kho bãi gặp khó khăn.

Trong lúc này, khi mặt trận y tế đang tổ chức chiến dịch tiêm vaccine toàn dân thì trên mặt trận kinh tế, các doanh nghiệp cũng đang mong mỏi những liều “vaccine kinh tế” giúp tìm lối thoát, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu và giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh, từ đó từng bước phục hồi kinh tế.

Bên cạnh sự gói hỗ trợ chính sách tiền tệ, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cũng cần chủ động tạo ra những “kháng thể” phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình, giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế tác động của dịch bệnh.

Chia sẻ những thông tin trên tại tọa đàm về liệu pháp số cho doanh nghiệp vượt dịch chiều ngày 18/8, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, doanh nghiệp cũng giống như một thực thể sống, giống con người, cũng có thể nhiễm bệnh, trở nặng và có thể phá sản. Chỉ có điều tỷ lệ này là rất khác biệt. Nếu số người nhiễm Covid chiếm khoảng 2,8% thì theo các khảo sát, tỷ lệ "mắc bệnh" của doanh nghiệp lên đến gần 90% và tỷ lệ phá sản đến 8,6% số doanh nghiệp. Điều này để lại hậu quả lâu dài cho nền kinh tế quốc gia.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra là làm thế nào để bảo vệ thành quả của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế để có thể vượt qua khó khăn, duy trì phát triển kinh doanh nếu như khi dịch bệnh phức tạp và con kéo dài?

Trong bối cảnh “ai ở đâu ở yên đó” hiện nay, các doanh nghiệp cần một liệu pháp số để có thể duy trì hoạt động không gián đoạn. Tại tọa đàm, đại diện FPT đã đưa ra liệu pháp số eCovax như một vaccine tạo kháng thể cho các doanh nghiệp có thể chỉ đạo điều hành, hoạt động một cách thông suốt. Giải pháp này tập trung vào giải quyết 3 thách thức lớn nhất của doanh nghiệp đang gặp phải để đảm bảo hoạt động thông suốt trong bối cảnh hiện nay: gồm vấn đề kinh doanh không giấy tờ, giao việc hiệu quả khi làm việc tại nhà và giải pháp họp trực tuyến.

Đại diện FPT nhấn mạnh, đây được coi như liều vaccine, những “kháng thể” số không thể thiếu giúp các doanh nghiệp điều hành, vận hành hoạt động thông suốt, vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid đang diễn biến phức tạp hơn dự đoán.

Theo khảo sát, có khoảng 39% doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp công nghệ thông tin để có thể hoạt động từ xa. Tuy nhiên, có tới 50% doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm các giải pháp.

Mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trong duy trì làm việc từ xa là marketing trơn tru, kinh doanh, giao dịch thanh toán và ký kết hợp đồng không gián đoạn cũng như các quy trình vận hành nội bộ thông suốt. Doanh nghiệp cũng quan tâm phòng chống dịch an toàn cho nhân viên và có thể hoạt động, làm việc từ xa.

Ngoài ra, khi không thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, làm thế nào để chăm sóc, hiểu biết khách hàng đầy đủ là bài toán khó đặt ra với các doanh nghiệp…

Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT cho biết, trong số những vấn đề doanh nghiệp nêu ra trong bối cảnh giãn cách, có hai vấn đề quan trọng là cơ sở hạ tầng giúp nhân viên làm việc từ xa và thay đổi mô hình kinh doanh hoạt động để không gián đoạn.

Liệu pháp số eCovax sẽ giúp các doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng, trong đó tập trung giải quyết 3 vấn đề là không tiếp xúc, không gián đoạn và giúp doanh nghiệp không bị động với các nền tảng như tổng đài ảo, giao việc hiệu quả, chữ ký số và hợp đồng điện tử…  

Theo FPT, liệu pháp số này sẽ giúp các doanh nghiệp bổ sung các “kháng thể” cần thiết để tăng cường “hệ miễn dịch” trong quản trị vận hành, bán hàng, giảm thiểu tác động bởi dịch bệnh, đảm bảo duy trì hoạt động và phát triển bứt phá trong tương lai.

 
Khảo sát tại tọa đàm:
Tình trạng vận hành của doanh nghiệp hiện nay:
- 265 vận hành hoàn toàn online
- 199 vận hành một nửa online, nửa offline
- 66 vẫn duy trì hoạt động offline
- 30 đơn vị gần như không vận hành
Những khó khăn lớn nhất khi vận hành doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh:
- Năng suất suy giảm khi làm việc từ xa: 280
- Ùn ứ giấy tờ, hóa đơn hợp đồng: 111
Doanh nghiệp có sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự và văn phòng không giấy tờ:
- Có: 452
- Không: 124