Vấn đề nông nghiệp - nhìn từ lý thuyết giá trị
Lời khuyên của các chuyên gia “bà con nên trồng cây này, nuôi con nọ, hiệu quả kinh tế lớn lắm đấy” là rất đáng ngại
Sáng nào bà con nông dân cả nước cũng chờ đón chuyên mục “Nhà nông làm giàu” trên kênh VTV1 để nghe lời khuyên từ chuyên gia nông học.
Đôi khi, chuyên gia không dừng lại trong phạm vi kỹ thuật, mà lấn sang kinh tế, nhiệt tình giới thiệu một loại cây, loại con nào đó có hiệu quả kinh tế rất cao.
Có lẽ chuyên gia không nghĩ rằng nếu như bà con nông dân đồng loạt làm theo lời khuyên của ông, thì khả năng trở nên giàu có của họ là rất thấp, may mắn lắm thì không thua lỗ!
Sản phẩm nông nghiệp và lý thuyết giá trị
Lý thuyết giá trị là vấn đề căn bản của kinh tế học. Thoạt tiên có ba trường phái chính - trọng thương (coi giá trị thặng dư chỉ được sinh ra trong lưu thông hàng hóa); trọng nông (coi giá trị thặng dư chỉ sinh ra trong sản xuất nông nghiệp); và trường phái cổ điển coi lao động là nguồn gốc tạo ra giá trị.
Ngoài ra còn có lý thuyết ích dụng biên (marginal utility) của trường phái tân cổ điển, nhưng lý thuyết này không tìm hiểu nguồn gốc của giá trị, mà chỉ phân tích các yếu tố chủ quan chi phối quyết định mua sắm của người tiêu dùng, nên không được coi là lý thuyết về giá trị.
Phái trọng nông cho rằng chỉ lao động nông nghiệp mới là lao động sản xuất, mới tạo ra sản phẩm thặng dư. Họ lập luận: “Công nghiệp chỉ làm thay đổi hình thái của vật chất, chứ không tạo ra gì hết... Hãy giao cho người đầu bếp một ít đỗ, anh ta sẽ nấu ra món đỗ hầm, nhưng anh ta chỉ mang lên số lượng đỗ mà anh ta đã nhận được mà thôi. Ngược lại, hãy giao số đỗ đó cho người trồng rau, người này đem gieo và đến mùa sẽ đem lại một số đỗ gấp bốn lần số đỗ ban đầu. Đó là sự sản xuất thực sự và duy nhất”.
Trường phái cổ điển coi lao động nói chung, bất kể trong ngành nào, là nguồn duy nhất tạo ra giá trị. Họ phản bác luận điểm của phái trọng nông như sau. Thứ nhất, một hạt đỗ không tự dưng biến thành bốn hạt đỗ; nó đòi hỏi đất, nước, phân bón, không khí, ánh nắng, công chăm sóc. Như thế ở đây có sự kết hợp của các yếu tố sản xuất để tạo ra sản phẩm mới là các hạt đỗ.
Điều này không khác gì việc người nấu bếp kết hợp đỗ với dầu mỡ, thịt, gia vị, nước, củi lửa để làm ra sản phẩm mới là món đỗ hầm. Chỉ so sánh lượng đỗ có trong sản phẩm mới là phiến diện. Trong cả hai trường hợp quy luật bảo toàn vật chất cho biết là không có cái gì tự dưng sinh ra ở đây cả, vì thế cả hai loại lao động đều là lao động sản xuất như nhau.
Thứ hai, khi người trồng rau và người đầu bếp bán sản phẩm của mình, thì giá trị của chúng được quy định như thế nào? Không phải người trồng rau thu về gấp bốn lần người đầu bếp. Nếu trừ đi tiền hạt giống, phân bón, nước nôi, thì giá trị còn lại sau khi bán số đậu đó chỉ tương đương với công sức anh ta bỏ ra; cũng như thu nhập của người đầu bếp sau khi trừ mọi chi phí.
Thực tiễn cho thấy: bất kể người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, thì nói chung thu nhập trong một năm của mỗi người là na ná nhau. Thu nhập một năm của họ chính là giá trị do lao động trong một năm của họ tạo ra. Khi lão nông Lê Văn Lam than: “Nghề nông lấy công làm lời. Nếu trúng mùa, nông dân cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống” (“Cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp”, TBKTSG, 7/12/2008), là ông phản ánh chính xác quy luật giá trị diễn ra trong sản xuất nông nghiệp.
Như vậy giá trị của sản phẩm nông nghiệp, cũng như mọi loại hàng hóa khác, là do chi phí lao động làm ra chúng quyết định. Những năm trúng mùa giá bao giờ cũng giảm, thì không phải do quy luật cung cầu (giá giảm ngay cả khi cung cầu cân bằng tương đối) mà là vì cùng một chi phí lao động giờ đây thu được nhiều sản phẩm hơn, tức là chi phí lao động cho mỗi đơn vị sản phẩm giảm đi, nên giá trị của nó giảm tương ứng. Năm mất mùa thì ngược lại. Chỉ sau đó quy luật cung cầu mới có ảnh hưởng đến giá cả của nông sản.
Đôi khi có người thắc mắc: cùng một cây táo, rõ ràng quả táo ngọt bán đắt hơn quả táo chua, thế thì lý thuyết giá trị giải thích thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Người nông dân không sản xuất từng quả táo, mà trồng từng cây, từng vườn táo; tổng giá trị của toàn bộ số táo trên một cây táo hay một vườn táo do tổng chi phí lao động làm ra chúng quyết định. Trong số táo thì có một số ít rất đẹp và ngon bán được giá cao, một số khác xấu và chua bán với giá rẻ, còn đại đa số bán theo giá trung bình. Tổng cộng lại, nó tương đương tổng chi phí lao động đã bỏ ra.
Đây là cơ sở để nông dân và thương lái mua bán mão với nhau (mua bán cả một vườn cây, một mẻ cá). Dựa trên kinh nghiệm lâu năm mà họ biết được tổng chi phí lao động trung bình là khoảng bao nhiêu.
Ngộ nhận thường thấy trong công tác khuyến nông
Các phân tích trên cho thấy vì sao lời khuyên của các chuyên gia “bà con nên trồng cây này, nuôi con nọ, hiệu quả kinh tế lớn lắm đấy” là rất đáng ngại. Nếu họ chỉ nói thầm cho một hai người thì còn được... Đằng này họ nói cho hàng triệu bà con nông dân nghe, nếu bà con nhất tề làm theo thì hậu quả ra sao?
Các chuyên gia cứ nghĩ rằng nếu họ tìm ra các loại giống mới chất lượng tốt, năng suất cao, thì thu nhập của mọi nông dân sẽ đều tăng. Như lý thuyết giá trị đã chỉ ra, giá trị của hàng hóa không phụ thuộc vào giá trị sử dụng của nó, mà chỉ phụ thuộc vào chi phí lao động làm ra nó. Một giống trái cây mới, ngon hơn giống cũ, hay có năng suất cao hơn, thì thoạt tiên ai sản xuất ra nó sẽ bán được nhiều tiền hơn.
Nhưng nếu mọi nhà vườn đều trồng đại trà loại mới này thì do cạnh tranh giá của nó lại tụt xuống ngang với chi phí lao động bỏ ra, và thu nhập của nhà vườn bây giờ cũng chỉ như lúc trước. Chỉ người tiêu dùng là hưởng lợi (mua được hàng tốt giá rẻ). Trừ phi tìm được thị trường xuất khẩu mà cầu vượt quá cung, hoặc là không có ai cạnh tranh, thì nông sản của ta mới có thể bán với giá cao.
Cho nên, thỉnh thoảng trên ti vi thấy có một gương “nhà nông làm giàu” nào đó đang chia sẻ kinh nghiệm, thực tình người xem thấy rất thương cho họ. Rõ ràng họ đang tự hại mình vì làm trái với nguyên tắc của kinh tế thị trường!
Trong nền kinh tế thị trường chỉ có ai dại dột mới đi chia sẻ kinh nghiệm cho người khác. Điều này thoạt nghe có vẻ nhẫn tâm, trái với truyền thống bầu ơi thương lấy bí cùng, nhưng quy luật kinh tế buộc đạo đức phải thay đổi theo. Giờ đây người ta giáo dục rằng phải biết giữ bí mật kinh doanh!
Không bao giờ người ta thấy doanh nhân nào đó lên tivi kể tông tốc về bí quyết kinh doanh của mình, thì tại sao lại đi bắt mấy người nông dân chất phác làm điều đó?
Vấn đề nông nghiệp không thể là việc của riêng nông dân
Người nông dân, chỉ dựa vào lao động của bản thân mình, không bao giờ có thể giàu được. Đủ ăn đã là tốt lắm. Ngay chính nông dân các nước phát triển cũng phải nhờ nhà nước bảo hộ, hỗ trợ rất nhiều, mà cũng chỉ có thu nhập tàm tạm so với người lao động ở các khu vực khác.
Ở nước ta thu nhập trên đầu người của nông dân rất thấp không hẳn vì năng suất lao động thấp (năng suất lúa của nước ta thuộc loại cao nhất thế giới), cũng không phải vì giá nông sản quá rẻ - vài trăm Đô la Mỹ một tấn gạo không hề thấp. Giá nông sản chẳng thể tăng nhiều được - nông sản của Mỹ cũng chỉ có giá tương đương như của ta, có thứ còn rẻ hơn, phản ánh đúng quy luật giá trị. Chủ yếu do ruộng đất quá ít nên thu nhập chia cho số đầu người quá đông thì dĩ nhiên phải thấp.
Hay nói cách khác, thời gian lao động thực sự của nông dân rất ít dẫn đến thu nhập thấp. Muốn thu nhập của nông dân tăng lên thì chỉ có một con đường duy nhất: tăng quy mô sản xuất trên đầu người.
Ruộng đất ngày càng thu hẹp, vậy chỉ có cách giảm bớt số người sống dựa vào nông nghiệp, chuyển sang các ngành khác. Nếu số người làm trong nông nghiệp giảm còn vài phần trăm, thì thu nhập đầu người sẽ tăng hai chục lần.
Rõ ràng điều này tự nông dân không thể quyết định được. Họ chỉ có thể ly nông nếu các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng và đòi hỏi nguồn nhân lực bổ sung, hoặc đi xuất khẩu lao động. Đó là hai con đường thu hút lao động một cách đàng hoàng. Ngoài ra, người nông dân lúc nông nhàn chỉ còn cách kéo lên thành phố làm thuê, hay đi bán vé số, hàng rong - những công việc hết sức bấp bênh.
Từ các trình bày trên có thể đưa ra các kết luận sau:
- Trong phạm vi một nền kinh tế, nếu các tình hình khác không thay đổi, thì mọi tiến bộ khoa học kỹ thuật, khi được áp dụng một cách phổ biến, sẽ không làm tăng thu nhập của nông dân một cách phổ biến. Nó chỉ có thể làm tăng thu nhập của từng bộ phận nông dân cá biệt, dựa trên tính đặc thù của từng khu vực địa lý đã ngăn cản cạnh tranh. Ví dụ: nếu chỉ vùng Ninh Thuận có thể trồng nho, với sản lượng hữu hạn, thì giống nho mới có chất lượng cao có khả năng làm tăng thu nhập của người trồng nho ở đây.
- Chỉ khi nào coi nền kinh tế Việt Nam là một khu vực kinh tế cá biệt trong nền kinh tế toàn cầu, thì những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng riêng ở Việt Nam mới có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm các nước khác khi xuất khẩu, và có khả năng làm tăng phần nào thu nhập của nông dân Việt Nam. Nếu không có tiến bộ kỹ thuật, nông sản của ta thua ngay trên sân nhà, và nông dân còn khốn đốn nữa. Ở đây vai trò của nhà khoa học và nhà doanh nghiệp rất rõ rệt.
- Thu nhập của nông dân chỉ có thể tăng lên nhiều lần, một cách bền vững, cùng với quá trình phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Một mặt, thu nhập trên đầu người tỷ lệ nghịch với số người sống dựa vào nông nghiệp. Mặt khác, số người trong khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên sẽ làm tăng tổng thu nhập xã hội, kéo theo tổng cầu đối với nông sản. Đây chủ yếu là nhiệm vụ của Nhà nước và các doanh nghiệp. Quá trình này diễn ra từ từ, không thể nóng ruột đòi có đột biến trong ngày một ngày hai được.
Đoàn Tiểu Long (TBKTSG)
Đôi khi, chuyên gia không dừng lại trong phạm vi kỹ thuật, mà lấn sang kinh tế, nhiệt tình giới thiệu một loại cây, loại con nào đó có hiệu quả kinh tế rất cao.
Có lẽ chuyên gia không nghĩ rằng nếu như bà con nông dân đồng loạt làm theo lời khuyên của ông, thì khả năng trở nên giàu có của họ là rất thấp, may mắn lắm thì không thua lỗ!
Sản phẩm nông nghiệp và lý thuyết giá trị
Lý thuyết giá trị là vấn đề căn bản của kinh tế học. Thoạt tiên có ba trường phái chính - trọng thương (coi giá trị thặng dư chỉ được sinh ra trong lưu thông hàng hóa); trọng nông (coi giá trị thặng dư chỉ sinh ra trong sản xuất nông nghiệp); và trường phái cổ điển coi lao động là nguồn gốc tạo ra giá trị.
Ngoài ra còn có lý thuyết ích dụng biên (marginal utility) của trường phái tân cổ điển, nhưng lý thuyết này không tìm hiểu nguồn gốc của giá trị, mà chỉ phân tích các yếu tố chủ quan chi phối quyết định mua sắm của người tiêu dùng, nên không được coi là lý thuyết về giá trị.
Phái trọng nông cho rằng chỉ lao động nông nghiệp mới là lao động sản xuất, mới tạo ra sản phẩm thặng dư. Họ lập luận: “Công nghiệp chỉ làm thay đổi hình thái của vật chất, chứ không tạo ra gì hết... Hãy giao cho người đầu bếp một ít đỗ, anh ta sẽ nấu ra món đỗ hầm, nhưng anh ta chỉ mang lên số lượng đỗ mà anh ta đã nhận được mà thôi. Ngược lại, hãy giao số đỗ đó cho người trồng rau, người này đem gieo và đến mùa sẽ đem lại một số đỗ gấp bốn lần số đỗ ban đầu. Đó là sự sản xuất thực sự và duy nhất”.
Trường phái cổ điển coi lao động nói chung, bất kể trong ngành nào, là nguồn duy nhất tạo ra giá trị. Họ phản bác luận điểm của phái trọng nông như sau. Thứ nhất, một hạt đỗ không tự dưng biến thành bốn hạt đỗ; nó đòi hỏi đất, nước, phân bón, không khí, ánh nắng, công chăm sóc. Như thế ở đây có sự kết hợp của các yếu tố sản xuất để tạo ra sản phẩm mới là các hạt đỗ.
Điều này không khác gì việc người nấu bếp kết hợp đỗ với dầu mỡ, thịt, gia vị, nước, củi lửa để làm ra sản phẩm mới là món đỗ hầm. Chỉ so sánh lượng đỗ có trong sản phẩm mới là phiến diện. Trong cả hai trường hợp quy luật bảo toàn vật chất cho biết là không có cái gì tự dưng sinh ra ở đây cả, vì thế cả hai loại lao động đều là lao động sản xuất như nhau.
Thứ hai, khi người trồng rau và người đầu bếp bán sản phẩm của mình, thì giá trị của chúng được quy định như thế nào? Không phải người trồng rau thu về gấp bốn lần người đầu bếp. Nếu trừ đi tiền hạt giống, phân bón, nước nôi, thì giá trị còn lại sau khi bán số đậu đó chỉ tương đương với công sức anh ta bỏ ra; cũng như thu nhập của người đầu bếp sau khi trừ mọi chi phí.
Thực tiễn cho thấy: bất kể người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, thì nói chung thu nhập trong một năm của mỗi người là na ná nhau. Thu nhập một năm của họ chính là giá trị do lao động trong một năm của họ tạo ra. Khi lão nông Lê Văn Lam than: “Nghề nông lấy công làm lời. Nếu trúng mùa, nông dân cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống” (“Cần một cuộc cách mạng trong nông nghiệp”, TBKTSG, 7/12/2008), là ông phản ánh chính xác quy luật giá trị diễn ra trong sản xuất nông nghiệp.
Như vậy giá trị của sản phẩm nông nghiệp, cũng như mọi loại hàng hóa khác, là do chi phí lao động làm ra chúng quyết định. Những năm trúng mùa giá bao giờ cũng giảm, thì không phải do quy luật cung cầu (giá giảm ngay cả khi cung cầu cân bằng tương đối) mà là vì cùng một chi phí lao động giờ đây thu được nhiều sản phẩm hơn, tức là chi phí lao động cho mỗi đơn vị sản phẩm giảm đi, nên giá trị của nó giảm tương ứng. Năm mất mùa thì ngược lại. Chỉ sau đó quy luật cung cầu mới có ảnh hưởng đến giá cả của nông sản.
Đôi khi có người thắc mắc: cùng một cây táo, rõ ràng quả táo ngọt bán đắt hơn quả táo chua, thế thì lý thuyết giá trị giải thích thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Người nông dân không sản xuất từng quả táo, mà trồng từng cây, từng vườn táo; tổng giá trị của toàn bộ số táo trên một cây táo hay một vườn táo do tổng chi phí lao động làm ra chúng quyết định. Trong số táo thì có một số ít rất đẹp và ngon bán được giá cao, một số khác xấu và chua bán với giá rẻ, còn đại đa số bán theo giá trung bình. Tổng cộng lại, nó tương đương tổng chi phí lao động đã bỏ ra.
Đây là cơ sở để nông dân và thương lái mua bán mão với nhau (mua bán cả một vườn cây, một mẻ cá). Dựa trên kinh nghiệm lâu năm mà họ biết được tổng chi phí lao động trung bình là khoảng bao nhiêu.
Ngộ nhận thường thấy trong công tác khuyến nông
Các phân tích trên cho thấy vì sao lời khuyên của các chuyên gia “bà con nên trồng cây này, nuôi con nọ, hiệu quả kinh tế lớn lắm đấy” là rất đáng ngại. Nếu họ chỉ nói thầm cho một hai người thì còn được... Đằng này họ nói cho hàng triệu bà con nông dân nghe, nếu bà con nhất tề làm theo thì hậu quả ra sao?
Các chuyên gia cứ nghĩ rằng nếu họ tìm ra các loại giống mới chất lượng tốt, năng suất cao, thì thu nhập của mọi nông dân sẽ đều tăng. Như lý thuyết giá trị đã chỉ ra, giá trị của hàng hóa không phụ thuộc vào giá trị sử dụng của nó, mà chỉ phụ thuộc vào chi phí lao động làm ra nó. Một giống trái cây mới, ngon hơn giống cũ, hay có năng suất cao hơn, thì thoạt tiên ai sản xuất ra nó sẽ bán được nhiều tiền hơn.
Nhưng nếu mọi nhà vườn đều trồng đại trà loại mới này thì do cạnh tranh giá của nó lại tụt xuống ngang với chi phí lao động bỏ ra, và thu nhập của nhà vườn bây giờ cũng chỉ như lúc trước. Chỉ người tiêu dùng là hưởng lợi (mua được hàng tốt giá rẻ). Trừ phi tìm được thị trường xuất khẩu mà cầu vượt quá cung, hoặc là không có ai cạnh tranh, thì nông sản của ta mới có thể bán với giá cao.
Cho nên, thỉnh thoảng trên ti vi thấy có một gương “nhà nông làm giàu” nào đó đang chia sẻ kinh nghiệm, thực tình người xem thấy rất thương cho họ. Rõ ràng họ đang tự hại mình vì làm trái với nguyên tắc của kinh tế thị trường!
Trong nền kinh tế thị trường chỉ có ai dại dột mới đi chia sẻ kinh nghiệm cho người khác. Điều này thoạt nghe có vẻ nhẫn tâm, trái với truyền thống bầu ơi thương lấy bí cùng, nhưng quy luật kinh tế buộc đạo đức phải thay đổi theo. Giờ đây người ta giáo dục rằng phải biết giữ bí mật kinh doanh!
Không bao giờ người ta thấy doanh nhân nào đó lên tivi kể tông tốc về bí quyết kinh doanh của mình, thì tại sao lại đi bắt mấy người nông dân chất phác làm điều đó?
Vấn đề nông nghiệp không thể là việc của riêng nông dân
Người nông dân, chỉ dựa vào lao động của bản thân mình, không bao giờ có thể giàu được. Đủ ăn đã là tốt lắm. Ngay chính nông dân các nước phát triển cũng phải nhờ nhà nước bảo hộ, hỗ trợ rất nhiều, mà cũng chỉ có thu nhập tàm tạm so với người lao động ở các khu vực khác.
Ở nước ta thu nhập trên đầu người của nông dân rất thấp không hẳn vì năng suất lao động thấp (năng suất lúa của nước ta thuộc loại cao nhất thế giới), cũng không phải vì giá nông sản quá rẻ - vài trăm Đô la Mỹ một tấn gạo không hề thấp. Giá nông sản chẳng thể tăng nhiều được - nông sản của Mỹ cũng chỉ có giá tương đương như của ta, có thứ còn rẻ hơn, phản ánh đúng quy luật giá trị. Chủ yếu do ruộng đất quá ít nên thu nhập chia cho số đầu người quá đông thì dĩ nhiên phải thấp.
Hay nói cách khác, thời gian lao động thực sự của nông dân rất ít dẫn đến thu nhập thấp. Muốn thu nhập của nông dân tăng lên thì chỉ có một con đường duy nhất: tăng quy mô sản xuất trên đầu người.
Ruộng đất ngày càng thu hẹp, vậy chỉ có cách giảm bớt số người sống dựa vào nông nghiệp, chuyển sang các ngành khác. Nếu số người làm trong nông nghiệp giảm còn vài phần trăm, thì thu nhập đầu người sẽ tăng hai chục lần.
Rõ ràng điều này tự nông dân không thể quyết định được. Họ chỉ có thể ly nông nếu các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng và đòi hỏi nguồn nhân lực bổ sung, hoặc đi xuất khẩu lao động. Đó là hai con đường thu hút lao động một cách đàng hoàng. Ngoài ra, người nông dân lúc nông nhàn chỉ còn cách kéo lên thành phố làm thuê, hay đi bán vé số, hàng rong - những công việc hết sức bấp bênh.
Từ các trình bày trên có thể đưa ra các kết luận sau:
- Trong phạm vi một nền kinh tế, nếu các tình hình khác không thay đổi, thì mọi tiến bộ khoa học kỹ thuật, khi được áp dụng một cách phổ biến, sẽ không làm tăng thu nhập của nông dân một cách phổ biến. Nó chỉ có thể làm tăng thu nhập của từng bộ phận nông dân cá biệt, dựa trên tính đặc thù của từng khu vực địa lý đã ngăn cản cạnh tranh. Ví dụ: nếu chỉ vùng Ninh Thuận có thể trồng nho, với sản lượng hữu hạn, thì giống nho mới có chất lượng cao có khả năng làm tăng thu nhập của người trồng nho ở đây.
- Chỉ khi nào coi nền kinh tế Việt Nam là một khu vực kinh tế cá biệt trong nền kinh tế toàn cầu, thì những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng riêng ở Việt Nam mới có thể tạo ra sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm các nước khác khi xuất khẩu, và có khả năng làm tăng phần nào thu nhập của nông dân Việt Nam. Nếu không có tiến bộ kỹ thuật, nông sản của ta thua ngay trên sân nhà, và nông dân còn khốn đốn nữa. Ở đây vai trò của nhà khoa học và nhà doanh nghiệp rất rõ rệt.
- Thu nhập của nông dân chỉ có thể tăng lên nhiều lần, một cách bền vững, cùng với quá trình phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Một mặt, thu nhập trên đầu người tỷ lệ nghịch với số người sống dựa vào nông nghiệp. Mặt khác, số người trong khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên sẽ làm tăng tổng thu nhập xã hội, kéo theo tổng cầu đối với nông sản. Đây chủ yếu là nhiệm vụ của Nhà nước và các doanh nghiệp. Quá trình này diễn ra từ từ, không thể nóng ruột đòi có đột biến trong ngày một ngày hai được.
Đoàn Tiểu Long (TBKTSG)