15:41 05/02/2010

Vẫn khát nhân lực chứng khoán

Việc sinh viên ngành tài chính ra trường khó tìm được việc làm hiện nay là rất ít, vì nhu cầu khá lớn

Nhân viên môi giới đang tư vấn cho khách tại công ty chứng khoán SME - Ảnh: Lê Toàn.
Nhân viên môi giới đang tư vấn cho khách tại công ty chứng khoán SME - Ảnh: Lê Toàn.
Vào quý 3/2009, khi thị trường chứng khoán khởi sắc thì nhu cầu tuyển người của các công ty chứng khoán trở nên cấp thiết, thông tin đăng tuyển rầm rộ.

Tuy vậy, khi thị trường im ắng trở lại từ tháng 11 đến nay thì nhu cầu tuyển dụng vẫn không giảm nhiều.

Đăng tuyển gần suốt năm

Chỉ tính trong tháng 1 vừa qua, trên website tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đã có đến 80 yêu cầu tuyển dụng liên quan đến chứng khoán; có công ty đăng tuyển hàng chục người như công ty chứng khoán Phú Hưng, Bảo Việt…

Nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng cán bộ quản lý như trưởng phòng phân tích, trưởng phòng môi giới; tuy vậy, đa phần các yêu cầu tuyển dụng đều tập trung vào vị trí môi giới.

“Môi giới và dịch vụ chiếm đến 40% nhân sự công ty chứng khoán, và đây là bộ phận dễ biến động nhất”, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Rồng Việt, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết. Việc nhân viên môi giới gắn bó với một công ty chứng khoán là rất khó vì có rất nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty khác, vì vậy việc tuyển người được thực hiện liên tục để có thể bù đắp sự thiếu hụt do nhân sự môi giới “nhảy việc”. Hiện tại, Rồng Việt cũng liên tục đăng tin tuyển dụng trên các trang web việc làm.

Theo giám đốc một công ty chứng khoán thì công ty ông đăng tin tuyển dụng gần như suốt năm trên các trang web việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm từ khi thị trường bắt đầu đi lên vào tháng 3/2009. Theo ông, việc tuyển người hiện nay không phải là dễ dàng vì không tìm được người phù hợp với yêu cầu.

"Nhiều hồ sơ, người xin việc không có bằng cấp liên quan đến kinh tế tài chính, cũng không có những hiểu biết về nghề nên không thể tuyển dụng được. Vì vậy, mặc dù phòng nhân sự luôn nhận được hồ sơ xin việc của nhiều lao động nhưng nhân viên lúc nào cũng thiếu", ông nói.

Việc sinh viên ngành tài chính ra trường khó tìm được việc làm hiện nay là rất ít, vì nhu cầu khá lớn, ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế Tp.HCM cho biết. Ông cho biết tỷ lệ sinh viên phải làm việc trái ngành hay thất nghiệp là hầu như rất thấp. Nhiều công ty chứng khoán cũng nhờ ông giới thiệu sinh viên mới ra trường đến thử việc.

Theo ông Chí, hiện nay do quy mô đào tạo chưa lớn, cung nhân lực ngành tài chính chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư. "Đào tạo chính quy không đáp ứng đủ nhu cầu của ngành này nên nhiều người đã theo học văn bằng 2, tại chức để hy vọng có thể làm việc trong các công ty chứng khoán", ông Chí cho biết thêm.

Không tuyển được nhiều nhân viên từ sàn vàng

Theo giám đốc một công ty chứng khoán tại Tp.HCM, việc Ngân hàng Nhà nước bắt đầu đóng cửa sàn vàng từ ngày 30/3 sẽ là cơ hội cho nhiều công ty chứng khoán có thêm nhân sự. Công ty ông đã tuyển được vài nhân viên môi giới và dịch vụ từ các sàn vàng. Ông cho rằng mỗi nhân viên tư vấn trên sàn vàng cũng sẽ có một số khách hàng nhất định, nếu kéo được số lượng khách hàng từ vàng sang chứng khoán thì đây cũng là một cơ hội để công ty chứng khoán có thêm nhà đầu tư.

Không lạc quan như vị giám đốc trên, ông Tuấn cho rằng hiện nay nhân sự sàn vàng thì nhiều nhưng khi chuyển  sang chứng khoán họ thiếu các văn bằng liên quan đến tài chính và chứng khoán. Ngoài ra, họ cũng thiếu một số kiến thức về môi giới chứng khoán nên rất khó nhận vào làm việc. Vì vậy, dù một số lãnh đạo các sàn vàng giới thiệu nhân sự, ông cũng không nhận được thêm bao nhiêu người.

Cũng như ông Tuấn, giám đốc một công ty chứng khoán nhỏ cho biết công ty ông lúc nào cũng thiếu người, vì không thể cạnh tranh trong tuyển dụng với các công ty lớn khi chế độ đãi ngộ không bằng. Hiện nay ông phải liên hệ với các trường đại học để mời sinh viên đến thực tập, nếu đủ tiêu chuẩn thì khi ra trường sẽ được tuyển dụng. Khó tìm nhân sự là vậy, nhưng việc nhận nhân sự của sàn vàng ông cũng khá ngần ngại, vì mức lương họ đòi hỏi là không thấp, trong khi chuyên môn của nhiều người không có liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.

Bản thân một số nhân viên sàn vàng cũng cho rằng họ khó tìm cơ hội tại các công ty chứng khoán bởi những lý do trên, nên cho đến thời điểm này, khi chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là các sàn vàng chính thức đóng cửa nhưng nhiều nhân viên công ty vàng vẫn còn đang bám trụ tại các sàn vì chưa tìm được việc làm mới.

Thanh Thương (TBKTSG)