"Vẫn phải quyết liệt phòng chống, không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine"
Trường hợp thử vaccine Covid-19 thuận lợi thì cũng phải đến quý 2/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine Covid-19
Liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine Covid-19. Tuy nhiên, không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine Covid-19 mà vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch.
Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, gồm: Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).
Trong đó, 3 đơn vị (IVAC, VABIOTECH, NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.
Riêng Công ty NANOGEN, đơn vị đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm tiêm thử vaccine đã sản xuất 5.000 liều vaccine và đã được Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm (Bộ Y tế) cấp phép cho thử nghiệm.
Sau khi Hội đồng Đạo đức và Bộ Y tế tiến hành họp đánh giá và cho phép tiến hành thử nghiệm vaccine trên người, NANOGEN sẽ tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Dự kiến, ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau khi tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dù cố gắng rút ngắn thời gian có thể và nếu thử vaccine thuận lợi, thì cũng phải đến quý 2/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine Covid-19. Không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng sẽ mất khoảng một năm cho vaccine.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine Covid-19.
Theo Bộ trưởng, ngoài NANOGEN, đến nay IVAC đã hoàn thành giai đoạn 1 và sản xuất được 200.000 liều vaccine, dự kiến tiến độ thử nghiệm vaccine sẽ bắt đầu từ tháng 2/2021.
Với vaccine của VABIOTECH, sử dụng phương pháp giống của Nga, Bộ Y tế đang rà lại toàn bộ quy trình và đánh giá lại để cho phép tiến hành những test thử thách ở trong nước. Theo tiến độ, vaccine dự kiến sẽ được thử giai đoạn 1-2 ở trên người vào tháng 3/2021.
Với POLYVAC, Bộ Y tế cũng đã giao đơn vị này phối hợp với các nước trong thử nghiệm vaccine.
Trước đó, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cũng cho biết, việc tuyển dụng tình nguyện viên, khám sàng lọc mất ít nhất 7 ngày, do đó dự kiến đến ngày 17/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 chính thức đầu tiên.
Ước tính ở giai đoạn 1 sẽ cần 40 - 60 tình nguyện viên, khi bước vào giai đoạn 2 con số này có thể tăng lên khoảng 600 người.