Vàng nhích giá, USD tự do vọt lên gần 23.600 đồng
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed, diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư...
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên sáng đầu tuần hôm nay (1/11), đưa giá vàng miếng trong nước nhích lên theo hoặc đi ngang. Giá USD tự do giữ xu thế tăng mạnh của tuần trước, lên gần 23.600 đồng, trong khi giá USD ngân hàng đi ngang dưới ngưỡng 23.000 đồng.
Lúc gần 11h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 57,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng niêm yết tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,45 triệu đồng/lượng và 52,15 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC giữ báo giá vàng miếng ở mức 57,75 triệu đồng/lượng và 58,45 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với hôm thứ Bảy.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn khoảng 9,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 11h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.785,9 USD/oz, tăng 0,6 USD/oz so với đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 49,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Giá vàng thế giới đang chịu áp lực giảm từ sự tăng giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index sáng nay nhích lên so với cuối tuần, dao động quanh ngưỡng 94,2 điểm. Đây là ngưỡng cao nhất của chỉ số này kể từ hôm 13/10.
Số liệu của Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát ở nước này đang ở ngưỡng cao nhất 30 năm. Điều này khiến giới đầu tư cho rằng lạm phát cao ở Mỹ có vẻ không phải là “vấn đề tạm thời” như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn nói.
Áp lực lạm phát lớn có thể buộc Fed phải đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ, gây bất lợi cho giá vàng. Tuy nhiên, lạm phát cao cũng khuyến khích nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa sự mất giá của tiền giấy.
Không chỉ ở Mỹ, lạm phát còn đang tăng ở nhiều nền kinh tế khác. Trong một dự báo đưa ra hôm thứ Sáu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lạc quan cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 4,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát đang tăng tốc cũng là một vấn đề “đau đầu” của ECB. Tháng 10 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone tăng 4,1%, mức tăng mạnh nhất 13 năm.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong tuần này là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed, diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ công bố cắt giảm chương trình mua tài sản trong lần họp này. Những đánh giá của Fed về thị trường việc làm, tăng trưởng và lạm phát sẽ là cơ sở để dự báo về khả năng Fed tăng lãi suất trong năm 2022.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang gia tăng đặt cược vào khả năng Fed bắt đầu nâng lãi suất trở lại trong năm 2022. Theo CME FedWatch Tool, khả năng Fed nâng lãi suất vào tháng 5/2022 là 47% và một đợt tăng thứ hai vào tháng 9/2022 là 40%.
Một số nhà phân tích cảnh báo khả năng vàng bị bán tháo sau cuộc họp này của Fed, nếu Fed phát đi một tín hiệu nào đó cứng rắn hơn dự báo.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.520 đồng (mua vào) và 23.580 đồng (bán ra), tăng tương ứng 50 và 60 đồng so với cuối tuần. Trong vòng 4 ngày qua, giá USD tự do đã tăng 150 đồng.
Tại Vietcombank, báo giá USD sáng nay là 22.650 đồng và 22.850 đồng, tương ứng giá mua và bán.