Vàng rớt giá sâu vì đồng USD mạnh lên
Giá vàng thế giới giảm mạnh khỏi ngưỡng 1.800 USD/oz vì chưa xuất hiện nhân tố hỗ trợ mới trong khi đồng USD mạnh lên, nhưng giá vàng miếng trong nước lại tăng, giá USD tự do cũng đội thêm 50 đồng...
Giá vàng thế giới giảm mạnh khỏi ngưỡng 1.800 USD/oz vì chưa xuất hiện nhân tố hỗ trợ mới trong khi đồng USD mạnh lên. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (27/10) vẫn tăng, giá USD tự do cũng nhảy vọt qua 23.400 đồng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 57,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 100.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 57,9 triệu đồng/lượng và 58,6 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,4 triệu đồng/lượng và 52,1 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn từ 9,1-9,3 triệu đồng/lượng. Do giá vàng miếng tăng, ngược chiều với sự đi xuống của giá vàng quốc tế, chênh lệch giá vàng miếng với thế giới đã tăng thêm khoảng 600.000-700.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.790,6 USD/oz, giảm 3,6 USD/oz, tương đương giảm 0,2% so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 49,3 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giảm 14,2 USD/oz, tương đương giảm 0,8%, chốt ở 1.794,2 USD/oz.
Giá kim loại quý này đi xuống sau 5 phiên tăng liên tiếp. Nhân tố hỗ trợ mới cho giá vàng trong ngắn hạn chưa xuất hiện, trong khi đồng USD mạnh lên gây áp lực giảm giá lên vàng. Ngoài ra, các báo cáo tài chính khả quan của doanh nghiệp niêm yết đã đưa thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mới trong những phiên giao dịch gần đây, khiến sức hấp dẫn của vàng – một kênh đầu tư an toàn – kém đi phần nào.
“Xu hướng tăng mạnh hơn dự báo của chứng khoán Mỹ, nhờ loạt báo cáo kết quả kinh doanh tốt đẹp, đang làm cho vàng suy yếu”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures phát biểu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng lên gần mốc 94 điểm, từ mức 93,8 điểm vào sáng qua.
Theo ông Haberkorn, một số nhà giao dịch vàng có thể đang chốt lời sau đợt tăng gần đây. Trong 5 phiên tăng vừa rồi, vàng đội giá thêm khoảng 2,5%, nhờ mối lo lạm phát và bấp bênh quanh việc các ngân hàng trung ương sẽ triển khai biện pháp gì để chống lại sự leo thang của giá cả.
Đa phần giới phân tích cho rằng giá vàng khó có khả năng rớt quá sâu khỏi ngưỡng kỹ thuật quan trọng 1.800 USD/oz, xét tới việc thị trường vẫn đang hướng sự chú ý tới vấn đề lạm phát.
Tuần này, ngân hàng trung ương của Nhật Bản và châu Âu sẽ họp vào ngày thứ Năm. Tiếp đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào tuần tới. Bất kỳ động thái nào của các ngân hàng trung ương lớn này cũng đều có thể tác động không nhỏ đến diễn biến các thị trường, trong đó có thị trường vàng.
Nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận định rằng trên phương diện kỹ thuật, việc giảm dưới 1.780 USD/oz sẽ “là một tín hiệu thực sự xấu đối với giá vàng, sau khi kim loại quý này đã giữ xu hướng tăng trong suốt tháng 10”.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.390 đồng (mua vào) và 23.440 đồng (bán ra), tăng 50 đồng so với sáng qua.
Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank vẫn giữ nguyên báo giá USD ở mức 22.655 đồng và 22.855 đồng.