Vanuatu phủ nhận Trung Quốc sắp mở căn cứ quân sự ở nước này
Truyền thông Australia nói Trung Quốc và Vanuatu đã thảo luận sơ bộ về việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Vanuatu
Ngoại trưởng Ralph Regenvanu của Vanuatu ngày 10/4 lên tiếng phủ nhận thông tin báo chí nói rằng Trung Quốc muốn mở một căn cứ quân sự tại đảo quốc Thái Bình Dương này.
Theo hãng tin Reuters, trước đó, trang Fairfax Media của Australia dẫn nguồn tin không tiết lộ danh tính nói Trung Quốc và Vanuatu đã thảo luận sơ bộ về việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Vanuatu.
Fairfax cũng nói khả năng Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở một địa điểm gần Australia như vậy đã được thảo luận ở cấp cao nhất tại Canberra và Washington.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vanuatu đã phủ nhận thông tin trên.
"Không một ai trong Chính phủ Vanuatu từng nói về một căn cứ quân sự Trung Quốc ở Vanuatu", ông Regenvanu nói với đài phát thanh Australian Broadcasting Corp. (ABC).
"Chúng tôi là một quốc gia không liên kết. Chúng tôi không quan tâm đến quân sự hóa, và không hề quan tâm đến bất kỳ dạng căn cứ quân sự nào ở nước mình".
Bài báo của Fairfax tàu hải quân Trung Quốc sẽ cập bến ở Vanuatu để được bảo trì, tiếp nhiên liệu và hàng hóa, và thỏa thuận này cuối cùng sẽ dẫn tới việc mở căn cứ quân sự.
"Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình với một quan ngại lớn khi có bất kỳ một căn cứ quân sự nào đặt tại các quốc gia Thái Bình Dương láng giềng với chúng tôi", Thủ tướng Australia, ông Malcolm, Turnbull, phát biểu tại Brisbane.
Vanuatu, quốc gia quần đảo cách Australia khoảng 2.000 km về phía Đông Bắc, từng là nơi đặt một căn cứ của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài vào tháng 8/2017, tại Djibouti, quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi. Tuy nhiên, Bắc Kinh gọi đây là một cơ sở hậu cần.
Vị trí địa lý của Djibouti ở rìa phía Tây Nam của Ấn Độ Dương đã khiến Ấn Độ lo ngại rằng nước này sẽ trở thành một thành viên nữa trong "chuỗi ngọc trai" liên minh quân sự và tài sản của Trung Quốc xung quanh Ấn Độ, bên cạnh Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.
Trung Quốc cũng đang ngày càng trở nên tích cực hơn ở khu vực phía Nam của Thái Bình Dương, đảm nhận nhiều dự án hạ tầng, viện trợ và cấp vốn cho nhiều đảo quốc nhỏ, đang phát triển ở khu vực này. Chiến lược này của Trung Quốc đã dẫn tới những đánh giá cho rằng ảnh hưởng bấy lâu của Australia trong khu vực có thể suy giảm.