10:40 21/05/2007

Vasco sẽ trở thành hãng hàng không độc lập

Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) có thể là đơn vị đầu tiên trong ngành vận tải hàng không tiến hành cổ phần hóa

Vietnam Airlines quyết tâm trong vòng hai đến ba năm tới sẽ xây dựng hoàn thiện Vasco đủ mạnh để tách ra thành một hãng hàng không độc lập.
Vietnam Airlines quyết tâm trong vòng hai đến ba năm tới sẽ xây dựng hoàn thiện Vasco đủ mạnh để tách ra thành một hãng hàng không độc lập.
Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) có thể là đơn vị đầu tiên trong ngành vận tải hàng không tiến hành cổ phần hóa.

Trong đề án phát triển đến năm 2010, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ đầu tư xây dựng Vasco thành một hãng hàng không độc lập, hội đủ tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế.

Từ giữa năm 2004, Vasco được Vietnam Airlines giao đảm nhiệm khai thác kinh doanh hai đường bay từ Tp.HCM đi Côn Đảo và Cà Mau. Đến cuối năm 2006, Vietnam Airlines lại giao thêm cho Vasco các đường bay ngắn từ Tp.HCM đi Tuy Hòa và Chu Lai. Chỉ mấy tháng sau đó, lại giao thêm các đường bay Đà Nẵng, Quy Nhơn.

Giải thích về việc chuyển giao ngày càng nhiều đường bay ngắn trong nước cho Vasco, ông Phạm Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại của Vietnam Airlines, cho biết: theo lộ trình xây dựng Vasco thành hãng hàng không độc lập, hãng này sẽ đáp ứng không những vận chuyển nội địa mà còn vận chuyển quốc tế, với bước đầu tập dượt là bay gom tụ từ các đường bay ngắn nội địa về hai trung tâm lớn cho Vietnam Airlines là Tp.HCM và Hà Nội.

Theo ông, qua hơn 2 năm, Vasco đã thành công và bước tiếp theo là Vietnam Airlines tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện bộ máy điều hành kinh doanh, khai thác, lực lượng kỹ thuật cũng như đội ngũ phi hành đoàn, để đủ sức điều hành kinh doanh như một hãng hàng không độc lập.

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Trưởng ban Kế hoạch thị trường Vietnam Airlines, hầu hết các đường bay ngắn nội địa đều lỗ do không được phụ thu xăng dầu. Hơn nữa, các sân bay địa phương chỉ đủ tiêu chuẩn cho các máy bay loại nhỏ có sức chứa trên dưới 70 hành khách hạ cất cánh.

Vậy Vasco đã xoay xở như thế nào? Ông Bùi Ngọc Hoàng, Giám đốc Vasco, cho biết sắp tới, Vasco sẽ tăng tần suất bay một số tuyến như Tp.HCM đi Côn Đảo 8 chuyến/tuần, thậm chí 10 chuyến/tuần như tuyến bay Tp.HCM đi Quy Nhơn. Khi tăng tần suất bay thì hiệu quả khai thác cũng tăng lên. Từ chỗ chỉ đạt trên 60%, đến nay hệ số ghế đã tăng lên trên 90%; có những đường bay đạt công suất tối đa 100% số ghế như TPHCM đi Cà Mau, Côn Đảo.

Lợi thế của Vasco là các đường bay hầu hết nối những trung tâm du lịch, do vậy Vasco đã chủ động liên kết với các địa phương và các công ty du lịch lữ hành để tạo thêm dịch vụ miễn phí cho hành khách như xe đưa đón từ sân bay về trung tâm, có giá ưu đãi cho các đoàn khách đặt chỗ dài ngày... vì vậy lượng khách ổn định hơn.

Tiền thân của Vasco là Xí nghiệp Bay phục vụ kinh tế quốc dân, nhiệm vụ chủ yếu là bay chụp ảnh địa hình, khảo sát địa chất, quy hoạch, hoạch định đường biên giới, lập bản đồ xây dựng các công trình lớn như nhà máy thủy điện, gieo hạt trồng rừng, cấp cứu y tế... Vasco đang xây dựng đề án bay cấp cứu y tế trong nước bằng máy bay trực thăng để phục vụ nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, từ năm 2001, dịch vụ bay vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng được Vasco thực hiện và đang củng cố để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, mô hình phát triển hãng hàng không đa năng như Vasco trên thế giới không phải nhiều. Vietnam Airlines quyết tâm trong vòng hai đến ba năm tới sẽ xây dựng hoàn thiện Vasco đủ mạnh để tách ra thành một hãng hàng không độc lập và lúc đó sẽ tiến hành cổ phần hóa.