10:15 17/04/2009

Vay vốn hỗ trợ người lao động mất việc: Quá khó?

Lý Hà

Mặc dù đã có quy định, song tại Hà Nội, chưa doanh nghiệp nào được vay vốn để hỗ trợ người lao động mất việc làm

Hà Nội tăng số phiên giao dịch việc làm từ một lên hai phiên/tháng.
Hà Nội tăng số phiên giao dịch việc làm từ một lên hai phiên/tháng.
Quyết định 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng về việc hỗ trợ người lao động mất việc làm đã đem lại hy vọng cho không it doanh nghiệp đang khó khăn..

Thế nhưng, kể từ khi có thông tư liên tịch hướng dẫn của liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính đến nay, người lao động vẫn tiếp tục chờ đợi. Còn doanh nghiệp cũng chưa một lần được vay vốn với mức lãi suất hỗ trợ bằng 0%.

Nhiều vướng mắc

Hà Nội là địa phương đầu tiên có sáng kiến thực hiện thí điểm việc cho doanh nghiệp vay vốn để giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, sau khi rà soát những doanh nghiệp nhiều lao động và có báo cáo về tình hình mất việc làm, Sở đã lựa chọn thực hiện thí điểm cho hai doanh nghiệp vay vốn có mức lãi suất hỗ trợ bằng 0% là Công ty Cổ phần Sứ Viglacera Thanh Trì và Công ty Cổ phần Cơ khí 120.

Tuy nhiên, ngay cả hai doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa được vay vì thực tế triển khai thực hiện quyết định này đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại Công ty Cổ phần Sứ Viglacera Thanh Trì, do sản xuất bị ngừng trệ, từ tháng 1/2009, công ty cho 300 lao động nghỉ việc để chờ đơn hàng mới. Ngoài số này, một số lao động chủ chốt đi làm theo hình thức giãn thời gian. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ động cùng với Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (Chi nhánh Hà Nội) đề nghị Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam cho vay vốn để trả lương, trợ cấp cho người lao động, nhưng đã bị từ chối vì “không đủ điều kiện vay vốn”.

Lý do bị từ chối là 300 lao động nghỉ giãn việc, không phải là bị sa thải. Trong khi điều kiện để doanh nghiệp được vay là: sa thải tối thiểu 30% lao động hoặc từ 100 lao động trở lên.

Còn Công ty Cổ phần Cơ khí 120 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội đã cho hơn 100 lao động nghỉ việc. Nhưng sau khi tìm hiểu về khoản vay này, công ty cũng phải rút lui vì... không đủ điều kiện.

Lý do là 100 công nhân nghỉ không cùng thời điểm. Cuối năm 2008 khi sản xuất gặp khó khăn, công ty đã phải sa thải 70 lao động trong tổng số 299 lao động đang làm việc. Sang tới đầu năm 2009, khó khăn tiếp tục kéo dài, công ty lại phải buộc thôi việc tiếp hơn 30 lao động. Đủ điều kiện về số lượng sa thải, nhưng thời điểm sa thải lại không phù hợp vì điều kiện vay chỉ áp dụng cho trường hợp sa thải trong năm 2009.

Địa phương tự "bơi"

Theo bà Phương, vướng mắc chính là thời điểm áp dụng và quy định bó hẹp hỗ trợ lao động mất việc trong năm 2009. Bà cho biết, tại Hà Nội, trong số 367 doanh nghiệp báo cáo, năm 2008 có tới 25.000 người mất việc và thiếu việc. Và con số này của năm 2009 ước tính  khoảng 9.000 người.

Vì vậy, cần thiết phải khuyến khích doanh nghiệp bằng nhiều hình thức trong đó có cả vấn đề vay vốn vì đã cố gắng giữ và tạo việc làm cho lao động chờ nền kinh tế phục hồi. Mặt khác, việc tính lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần được điều chỉnh. Với mức lãi suất hỗ trợ người lao động học nghề, tạo việc làm bằng 0,65%/tháng là chưa hợp lý.

Bởi doanh nghiệp cũng như hộ gia đình sản xuất kinh doanh nếu được vay có sự hỗ trợ 4% của Chính phủ thì chỉ còn 6-7%/năm (0,55-0,65%/tháng). Trong khi đó, tuy nói là ưu đãi học nghề, hỗ trợ doanh nghiệp mà lãi suất vẫn cao hơn mức 0,6%/tháng là chưa hợp lý.

Hiện tại, để hỗ trợ thêm cho người lao động bị mất việc, không còn cách nào khác là các địa phương tự mình “nghĩ cách”...