15:30 09/03/2023

Vay vốn WB hơn 2.000 tỷ nâng cấp gần 60km Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa

Anh Tú

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 217, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 2.156 tỷ đồng được Bộ Giao thông vận tải đề xuất triển khai trong danh mục đầu tư 5 tuyến quốc lộ kết nối với Lào. Dự án vay vốn WB và dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028...

Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đề xuất dự án này.
Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đề xuất dự án này.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cải tạo, nâng cấp quy mô mặt đường tuyến Quốc lộ 217, đoạn dốc 20 (Km17+500) và thiết kế các giải pháp khắc phục, xử lý điểm đen trên dốc 20, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông tuyến đường tỉnh.

XEM XÉT ĐỀ XUẤT NÂNG CẤP 5 TUYẾN QUỐC LỘ KẾT NỐI VỚI LÀO

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hoá, Bộ Giao thông vận tải, cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, Quốc lộ 217 qua tỉnh Thanh Hóa dài 210 km, quy mô cấp III, IV, 2 - 4 làn xe.

Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư nâng cấp đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Na Mèo và đoạn từ đường ven biển Nga Sơn đến Quốc lộ 1 với quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe.

Còn đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh chưa được nâng cấp theo quy hoạch được duyệt, trong đó có đoạn dốc 20, theo tên gọi của địa phương.

Để phù hợp với quy hoạch được duyệt và phát huy hiệu quả khai thác các đoạn tuyến đã được đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có Quốc lộ 217, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa.

 

"Đoạn tuyến có chiều dài khoảng 59 km, quy mô cấp III đồng bằng, 2 làn xe, tổng mức đầu tư 2.156 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 5 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực; dự kiến từ năm 2024 đến năm 2028. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, xử lý", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Theo đề xuất, 5 tuyến quốc lộ kết nối với Lào được đề xuất nâng cấp có tổng chiều dài đầu tư xây dựng khoảng 245 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 369 triệu USD.

Trong đó, vốn vay của WB hơn 6.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 292 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế, tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công trước thuế và chi phí tư vấn giám sát thi công trước thuế.

Vốn đối ứng gần 1.800 tỷ đồng (tương đương khoảng 77 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng còn lại, chi phí khác; giải phóng mặt bằng; các loại thuế, phí và chi phí dự phòng.

Việc cải tạo, nâng cấp 5 tuyến quốc lộ trên nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải, rút ngắn khoảng cách giữa các cửa khẩu với cảng biển, giảm thời gian chạy xe.

Qua đó, giảm được chi phí vận tải, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án; tăng cường kết nối hành lang Đông - Tây, thúc đẩy giao thương với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

XỬ LÝ ĐIỂM ĐEN ĐOẠN DỐC 20

Về kiến nghị thiết kế các giải pháp khắc phục, xử lý điểm đen trên dốc 20 nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông tuyến, Bộ Giao thông vận tải cho hay Quốc lộ 217, đoạn dốc 20 từ Km17+500 - Km18+800 dài 1,3 km có quy mô đường cấp V đồng bằng, mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5m; nền đường rộng 7,5m; hai bên có hệ thống thoát nước bằng rãnh dọc xây.

"Đoạn tuyến đi qua khu vực đồi núi, đường dốc dài, dốc dọc lớn từ 7-8% và nhiều đường cong liên tục; hai bên tuyến (đoạn từ Km17+500 - Km17+700) có nhà dân ở sát mặt đường từ lâu đời, các vị trí đường ngang dân sinh giao cắt có bán kính nhỏ, tầm nhìn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Do đó, để tăng cường đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ rà soát, bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông như: biển cảnh báo đường vào cong cua nguy hiểm, gương cầu lồi, biển cảnh báo đoạn đường hay xảy ra tai nạn, biển báo giao nhau với đường ngang không ưu tiên, biển báo độ dốc dọc lớn và vạch sơn tim đường.

"Qua việc khảo sát sơ bộ hiện trạng đoạn tuyến cho thấy để xử lý mở rộng mặt đường, cải tạo bán kính đường cong hoặc cải tuyến tại khu vực này cần phải thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ dân ở sát hai bên đường với chi phí lớn nên khó khăn trong việc bố trí kinh phí bảo trì lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ để thực hiện", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.

Do đó, hiện tại, Cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng chương trình kiểm tra thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ trong tháng 3/2023.

"Quá trình kiểm tra, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát; trường hợp xác định là điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông sẽ triển khai theo quy định", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.