15:33 08/03/2023

Thanh Hóa: Nhìn lại hành trình chống tham nhũng, tiêu cực hơn 2 năm qua

Nguyễn Thuấn

Từ năm 2019 đến nay, tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại tỉnh Thanh Hóa là hơn 213 tỷ đồng, gần 37.000 m2 đất....

Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt, tạm giam bị can Cầm Bá Xuân, nguyên Chủ tịch UBDN huyện Thường Xuân
Cơ quan Cảnh sát điều tra thi hành lệnh bắt, tạm giam bị can Cầm Bá Xuân, nguyên Chủ tịch UBDN huyện Thường Xuân

Trong khoảng thời gian hơn 2 năm gần đây, các cơ quan, đơn vị tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành 168 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 28 vụ, 134 người vi phạm; tổng giá trị sai phạm đã kiến nghị xử lý là 880 triệu đồng, trong đó đã thu hồi 787 triệu đồng, kiến nghị khác 93 triệu đồng.

CHUYỂN NHIỀU VỤ VIỆC CÓ HÀNH VI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC ĐẾN CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Các tổ chức thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 973 cuộc thanh tra hành chính gần 800 cuộc theo kế hoạch, 179 cuộc đột xuất. Ngoài ra các đơn vị này còn thực hiện hơn 2.000 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với hơn 3.900 tổ chức và hơn 5.300 cá nhân.

Qua thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền hơn 466 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 210 tỷ đồng, đã thu hồi 175 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác gần 260 tỷ đồng. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với hơn 1.000 tổ chức và gần 1.200 cá nhân với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng.

Về việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, trong hơn 2 năm qua các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết được gần 2.700 trên tổng số hơn 3.100 đơn khiếu nại (đạt 85%), 358/422 đơn tố cáo (đạt 84%). Qua xử lý đơn khiếu nại, tố cáo các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi cho ngân sách nhà nước 2,5 tỷ đồng, trả lại cho tập thể và cá nhân 06 tỷ đồng, khôi phục quyền lợi cho 577 công dân. Đồng thời kiến nghị xử lý hành chính 113 người, chuyển 9 vụ việc có hành vi tham nhũng, tiêu cực đến cơ quan điều tra xem xét, giải quyết.

Tiếp đến đối với việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 142 tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng, kinh tế; đã xử lý, khởi tố 81 tin, không khởi tố 37 tin, tạm đình chỉ 24 tin (chờ kết quả trả lời của cơ quan, cá nhân).

Cơ quan điều tra hai cấp đã thụ lý điều tra 150 vụ/328 bị can; đề nghị truy tố 103 vụ/271 bị can; tạm đình chỉ điều tra 11 vụ; đình chỉ điều tra 06 vụ; chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 01 vụ; đang điều tra 29 vụ/55 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 97 vụ/233 bị cáo phạm tội về kinh tế, tham nhũng (cấp tỉnh 25 vụ/72 bị cáo, cấp huyện 72 vụ/161 bị cáo).

NHIỀU LÃNH ĐẠO SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG “DÍNH CHÀM”

Từ năm 2019 đến nay, tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại tỉnh Thanh Hóa là hơn 213 tỷ đồng, gần 37.000 m2 đất và 38,515 m3 gỗ; đã thu hồi 21,2 tỷ đồng, gần 37.000 m2 đất và 38,515 m3 gỗ.

Nhiều vụ việc điển hình được dư luận quan tâm, liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như vụ nguyên Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Cầm Bá Xuân bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt, tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Năm 2014, với vai trò là Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, ông Cầm Bá Xuân đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch, ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu của xã Ngọc Phục, ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng 5.000m2 đất rừng sản xuất sang đất ở nông thôn, ký phê duyệt giá đất để chuyển mục đích sử dụng đất thấp hơn giá quy định, tạo điều kiện cho công dân xây dựng cơ sở chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tiếp đến, những sai phạm xảy ra tại Dự án Hạc Thành Tower, số 03 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa có 2 cán bộ nguyên lãnh đạo Sở Tài chính Thanh Hóa cũng bị khởi tố về tội danh trên.

Cụ thể, ngày 22/7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Bá Hùng (SN 1966), Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa và Văn Xuân Hùng (SN 1959), cựu Trưởng phòng Quản lý công sản giá cả của Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa.

Mở rộng điều tra, ngày 5/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa. Bà Đinh Cẩm Vân bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" do liên quan tới sai phạm tại dự án trên.

Một vụ án khác liên quan đến những sai phạm đất đai tại huyện Yên Định, được dư luận tỉnh Thanh Hóa quan tâm. Cụ thể, thời điểm cuối năm 2021, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Vũ Lâm, cựu Chủ tịch UBND huyện Yên Định (giai đoạn 2015 - 2020) về tội "vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất", quy định tại điều 230 Bộ luật hình sự.

Kết quả điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Yên Định, khi thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hai dự án khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và khu dân cư số 1 thị trấn Quán Lào giai đoạn năm 2018 - 2019, ông Lâm là người ký trực tiếp các quyết định phê duyệt mức hỗ trợ sai quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 8,8 tỉ đồng.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, quy trình, tiêu chuẩn, định mức... trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”.

Các ngành, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong suy thoái nội bộ…

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan, sai; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình, đảm bảo hầu hết các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải và có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ trong xã hội. Chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.