Vì đâu siêu sân bay Long Thành đối mặt nguy cơ chậm tiến độ?
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai và ACV nhanh chóng xử lý các vị trí chưa giải tỏa để bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành ngay trong quý 1/2023. Đồng thời, lưu ý tiến độ thi công nhà ga hành khách 35.000 tỷ đồng bởi đây là đường găng quan trọng của dự án...
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số: 35/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp triển khai thực hiện dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
YÊU CẦU BÀN GIAO TOÀN BỘ MẶT BẰNG TRONG QUÝ 1
Tại thông báo này, Phó Thủ tướng khẳng định dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, đã được xác định mốc tiến độ rất cụ thể tại Nghị quyết của Quốc hội và quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay dự án đang chậm tiến độ. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập tổ công tác để kịp thời đôn đốc, kiểm tra, kết nối và xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Do đó, các vấn đề tồn tại, vướng mắc của dự án cần được nhận diện rất cụ thể; đồng thời, việc xử lý phải bao quát, đồng bộ toàn dự án. Các chủ thể liên quan trực tiếp đến việc triển khai dự án là chủ đầu tư (ACV), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật.
Cụ thể, về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiến độ bàn giao mặt bằng là điều kiện tiên quyết, quyết định đến tiến độ tổng thể của dự án.
"Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và ACV khẩn trương xử lý các vị trí chưa giải tỏa để bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 trong quý 1/2023 và mặt bằng cho thi công hai tuyến đường giao thông kết nối (kết hợp làm đường công vụ) trước ngày 30/5/2023", Phó Thủ tướng đề nghị.
Lãnh đạo Chính phủ nhiều lần đốc thúc giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành nhưng tiến độ vẫn chậm. Cuối tháng 7 năm ngoái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu địa phương bàn giao mặt bằng trong tháng 8.
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Đồng Nai mới bàn giao gần 97% mặt bằng giai đoạn một (2.450/2.532 ha).
Nguyên nhân là khu tái định cư chưa đáp ứng tiến độ, các hộ phát sinh sau này chưa có chỗ ở mới. Nhiều hộ còn vướng mắc về giấy tờ đất nên khó đền bù.
Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo tỉnh cho rằng sự phối hợp giữa các ngành với huyện Long Thành chưa tốt, có tình trạng “đá qua, đá lại” trách nhiệm trong việc thực hiện các chỉ đạo của uỷ ban nhân dân tỉnh đối với các nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ đề nghị ACV có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để khảo sát các tuyến đường công vụ phục vụ thi công; chủ động bảo đảm phương án để không bị động trong tổ chức thi công tại công trường.
"Quá trình giải phóng mặt bằng phải thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới với điều kiện hạ tầng tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai rà soát, đánh giá và có phương án xử lý các nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực; khẩn trương triển khai hoàn thành các công trình dở dang, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác thu hồi đất, tái định cư; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu có khó khăn, vướng mắc.
Về việc điều chỉnh dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực hoàn thành công tác thẩm định, báo cáo Chính phủ trong tháng 2/2023 để trình Quốc hội.
ĐẢM BẢO TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG NHÀ GA HÀNH KHÁCH 35.000 TỶ ĐỒNG
Đối với hạng mục nhà ga hành khách, tiến độ thi công nhà ga hành khách là đường găng của dự án. Đây là công trình có quy mô lớn 35.000 tỷ đồng, kỹ thuật phức tạp, công nghệ hiện đại, lần đầu tiên được triển khai trong nước.
Tháng 9 năm ngoái, ACV mời thầu nhà ga sân bay Long Thành nhưng mọi hồ sơ không đáp ứng yêu cầu theo Luật Đấu thầu, do đó, gói thầu xây nhà ga bị hủy khiến dự án nguy cơ trễ hẹn.
Trong hồ sơ mời thầu lần 2, ACV khuyến nghị các nhà thầu cần nộp thầu sớm để có thời gian khắc phục, hỗ trợ trong trường hợp lỗi kỹ thuật, hoặc các sự cố phát sinh khác xảy ra gần thời điểm đóng thầu. Dự kiến, ACV sẽ mở hồ sơ chấm thầu vào ngày 28/3, đám phán và ký hợp đồng xong trước ngày 30/4.
Do đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng vai trò của các nhà thầu tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm là rất quan trọng; đặc biệt là các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu sẽ quyết định đến hiệu quả, khả thi trong tổ chức thi công, vận hành dự án.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ACV rà soát phạm vi hợp đồng để xác định trách nhiệm của các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, quản lý…, có giải pháp bổ sung nhiệm vụ hoặc lựa chọn nhà thầu tư vấn để hỗ trợ rà soát hồ sơ mời thầu, hỗ trợ vận hành, khai thác...
Trong mọi trường hợp, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc ACV chịu trách nhiệm toàn diện trong việc bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả của dự án theo quy định của pháp luật.
Để ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu thi công hạng mục nhà ga hành khách trong bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, trong hợp đồng thi công cần xác định rõ cam kết của nhà thầu trong bảo đảm các điều kiện cần thiết như khảo sát chất lượng nền, móng... trước khi tổ chức thi công, tránh phát sinh các tình huống tranh chấp về trách nhiệm và pháp lý.
Về thời gian hoàn thành hợp đồng thi công, trên cơ sở tham khảo ý kiến của tư vấn, ACV xác định thời gian thực hiện gói thầu, báo cáo Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
ACV rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về quyết toán, kiểm toán, thanh tra... để kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng phù hợp với thực tiễn của gói thầu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nêu rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020.
Với Bộ Giao thông vận tải, cần chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo tổ công tác và Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải về tình hình triển khai dự án.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các địa phương liên quan triển khai các dự án giao thông kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu lưu thông, đồng bộ tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra các điều kiện trong hồ sơ mời thầu của các gói thầu xây lắp và các hợp đồng tư vấn, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu của dự án, gói thầu.
Ngoài ra, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan kịp thời xử lý các kiến nghị của ACV theo thẩm quyền.