Vì sao 77% người trẻ nhảy việc?
Thời gian nhảy việc trung bình của thế hệ 2000x rơi vào khoảng 5 năm trở lại và thời gian họ yên vị tại một nơi làm việc cũng chỉ khoảng đó
Nhảy việc có lẽ đã trở thành chuyện thường tình, nếu không muốn nói là "mốt" của thế hệ trẻ ngày nay. Theo một khảo sát được Cổng thông tin sự nghiệp - nhân sự HRInside thuộc sở hữu của Vietnamworks dẫn lại, cho biết đối tượng nhảy việc nhiều nhất nằm trong độ tuổi trên 20 đến dưới 30, tức thuộc thế hệ "2000x" (thế hệ Millenials).
Thống kê trên cũng cho hay, thời gian nhảy việc trung bình của thế hệ 2000x rơi vào khoảng 5 năm trở lại và thời gian họ yên vị tại một nơi làm việc cũng chỉ khoảng đó. 5 năm là thời gian vừa đủ cho một công việc để có thể nhảy tiếp. Nhiều người trẻ từng có suy nghĩ như vậy.
Nhìn nhận ở góc độ cảm thông
Đã có lúc, người lớn thường có suy nghĩ tiêu cực hoặc không mấy thiện cảm về sự nhảy việc của người trẻ và cho rằng: "Lụp chụp quá! Thiếu lập trường!". Nhưng nếu bình tĩnh suy xét và tìm hiểu kỹ nguyên nhân, có thể người ta sẽ có cái nhìn tích cực hơn về một hiện tượng xã hội.
Theo các chuyên gia về việc làm và tuyển dụng, nhảy việc là tình trạng cả người làm và nhà tuyển dụng đều "mắc kẹt". Họ không thể tìm được hướng giải quyết từ hai phía dẫn đến kết quả thay đổi nơi làm việc. Đôi khi, điều đó lại tốt cho cả đôi bên. Nhảy việc sẽ giúp nhân viên tìm được một vị trí cao hơn, hoặc có cơ hội thăng tiến nhanh hơn, mức lương hấp dẫn hơn, cũng có thể tìm thấy sự phù hợp trong môi trường mới. Chỉ khi nhìn nhận vấn đề này ở góc độ tích cực hơn thì những định kiến về nhảy việc sẽ giảm dần và đến một lúc nào đó, mọi người và xã hội nhận thấy đây là điều bình thường.
Nhiều bạn trẻ nói rằng, họ sẵn sàng nhảy việc và chấp nhận một công việc với mức lương cắt giảm thấp hơn hẳn so với vị trí cũ, để tìm được nơi làm việc phù hợp, đặc biệt là khi họ gặp vấn đề về văn hóa công ty hay môi trường làm việc. Điều này ngược lại nhận định vẫn cho rằng, người trẻ nhảy việc là do hấp lực tiền lương từ một công ty khác, thậm chí là công ty đối thủ của sếp (cũ).
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thị trường lao động, ngoài các yếu tố kể trên còn có nhiều yếu tố khác dẫn đến chuyển đổi công việc. Ví dụ như nhân viên có quá nhiều việc phải làm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; nhận thức về môi trường hay các mối quan hệ xung quanh đang rạn nứt, suy nghĩ về việc lập gia đình,... Khi một vị trí mới phù hợp với các giá trị người trẻ quan tâm, nhiều khả năng đó sẽ là lựa chọn cho họ, thay vì vẫn cứ khư khư ở "bến đỗ tạm thời".
Thay đổi chỗ ở tác động đến nhảy việc
Một lý do dễ nhận thấy, đó là việc thay đổi chỗ ở, thay đổi môi trường sống kéo theo sự thay đổi nơi làm việc. Trong nhiều trường hợp, nếu nơi ở mới và chỗ làm việc cũ không quá cách xa nhau, đối với người lớn họ có thể chấp nhận đi xa hơn một chút nhưng vẫn đứng chân tại chỗ làm cũ. Với người trẻ quy luật ấy không hẳn đúng!
Theo một nghiên cứu của Công ty Cornerstone International Group (Singapore) nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nhân lực, thì có đến 77% người trẻ sẵn sàng cân nhắc chuyện nhảy việc, thay đổi nơi sống đến một thành phố khác, quốc gia khác và xem đó như là một bước chuyển lớn trong sự nghiệp.
"Sinh viên khi mới ra trường thường ưa thích lối sống năng động và sẵn sàng di chuyển nhiều nơi. Do đó, các nhà tuyển dụng khi lựa chọn thế hệ millennials thường đưa ra những "offer" khá hấp dẫn về cơ hội di chuyển, thay đổi nơi làm việc đến một thành phố mới hoặc thậm chí là quốc gia khác. Người trẻ luôn háo hức để được khám phá những địa điểm mới nằm trong khả năng của bản thân mình", nghiên cứu này dẫn ra.
Tại Tp.HCM, vài năm trở lại đây, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI) thì sự dịch chuyển lao động ở dưới mức 10%. Điều này chứng tỏ xu hướng người lao động và doanh nghiệp theo hướng ổn định và phát triển. Nhân lực trở thành vốn quý và sự nghiệp phát triển việc làm bắt đầu được trân trọng.
Mặt khác, các hoạt động về thông tin thị trường lao động cũng được thực hiện khá tốt, tạo dư luận xã hội giúp cho người lao động hiểu được thị trường lao động và chọn lựa việc làm cũng như phấn đấu ổn định sự nghiệp.
Trong một khảo sát của Trung tâm Tư vấn nguồn nhân lực Alpha với 500 nhân sự trong độ tuổi 25 - 40 thuộc 48 công ty có quy mô từ 1.000 lao động trở lên tại Tp.HCM, có đến 67% cho biết sẽ nhảy việc khi có cơ hội; 56% nói rằng họ từng nhảy việc khi làm chưa được 1 năm, và chỉ 1 người làm việc 20 năm tại một doanh nghiệp dù không ít lần có ý định đổi thay.
Chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn cho rằng, hiện nay các chế độ đãi ngộ về tiền lương, thu nhập và phúc lợi của các doanh nghiệp trong hay ngoài nước đa số được thực hiện theo đúng quy định pháp luật lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, tùy theo điều kiện và quy mô, tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp mà họ có những chế độ đãi ngộ có khác nhau. Không phải tất cả mọi doanh nghiệp FDI đều có chế độ đãi ngộ cao hơn hay quan hệ lao động tốt hơn các doanh nghiệp trong nước.
"Người lao động có quyền lựa chọn việc làm, nơi làm việc theo mong muốn. Nhưng tất nhiên phải phù hợp với năng lực nghề nghiệp của mình", ông Tuấn xác nhận việc nhảy việc như một hiện tượng bình thường.