14:20 10/04/2023

Vì sao các ngân hàng trung ương mua vàng?

Điệp Vũ

Bước sang năm 2023, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu thời kỳ mua ròng vàng kéo dài bắt đầu từ năm 2010 có thể chuyển sang giai đoạn bán ròng, như những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1960 không?

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Năm 2022 chứng kiến các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vàng nhiều chưa từng thấy, giữ vai trò nguồn lực hỗ trợ quan trọng giúp vàng giữ giá dù chịu áp lực giảm mạnh từ môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương sẽ duy trì, dẫn đầu là các nền kinh tế đang phát triển vì tỷ trọng dự trữ vàng trong danh mục đầu tư của họ đang thấp hơn các nền kinh tế phát triển.

Theo số liệu từ WGC, trong năm ngoái, các ngân hàng trung ương mua ròng 1.136 tấn vàng, con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Bước sang năm 2023, nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu thời kỳ mua ròng vàng kéo dài bắt đầu từ năm 2010 có thể chuyển sang giai đoạn bán ròng, như những gì đã xảy ra vào cuối những năm 1960 không?

WGC nói rằng câu trả lời ở đây là “không”, vì “các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mở rộng nguồn dự trữ vàng chính thức của họ, và niềm tin này không chỉ dựa trên việc họ đã thể hiện rõ ý định đó”.

“SẼ KHÔNG CÓ BÁN THÁO VÀNG NHƯ CUỐI NHỮNG NĂM 1960”

Một báo cáo của WGC đã nhìn lại thời điểm cuối thập niên 1960 - thời điểm mà chế độ bản vị vàng (gold standard) vẫn đang hoạt động. Dưới hệ thống Bretton Woods, Mỹ cùng với một số nước ở châu Âu đã cam kết bảo vệ giá vàng ở mức cố định, để giữ ở mức 35 USD/oz vàng.  

Theo báo cáo trên, việc vàng bị bán mạnh vào năm 1967 là kết quả của việc đồng USD bị tấn công bởi các nhà đầu tư đổ xô mua vàng. Sự kiện này được thúc đẩy bởi động cơ trú ẩn an toàn do việc đồng Bảng mất giá cho thấy nguy cơ mất giá các đồng tiền khác. Cùng với đó là sự hấp dẫn của lợi nhuận tiềm năng khi các nhà đầu cơ đặt cược rằng đồng USD sẽ là đồng tiền tiếp theo sụp đổ và giá vàng sẽ tăng lên.

Các ngân hàng liên quan đã tránh được kịch bản tồi tệ đó bằng cách bán ra số lượng vàng lớn - tổng cộng khoảng 2.000 tấn vào năm 1967-1968. Cuối cùng, hệ thống Bretton Woods và chế độ bản vị vàng đã sụp đổ.

Ở thời điểm năm 2022, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Thị trường vàng toàn cầu đã tăng trưởng cả về độ rộng và chiều sâu, cùng mức thanh khoản lớn. Cấu trúc ngày nay đã khác biệt, cụ thể là sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ với tư cách 2 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, và việc xuất hiện các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng.

Tuy nhiên, theo WGC, khác biệt quan trọng nhất nằm ở hành vi của các ngân hàng trung ương.

Thứ nhất, chương trình cấu trúc để bán vàng có kiểm soát trong thập kỷ đầu của thế kỷ này đã giảm đáng kể sự “quá mức phụ thuộc” vào vàng của các ngân hàng trung ương phương Tây, trong khi các ngân hàng trung ương của các thị trường đang phát triển vẫn có sự phân bổ vàng ít hơn trong danh mục đầu tư và dự trữ cho dù đã đã bổ sung thêm số lượng vàng lớn trong những năm gần đây.

Và thứ hai, đã có một sự chuyển đổi nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD với tư cách một đồng tiền dự trữ trong bối cảnh không có lãi suất thực tế từ trái phiếu chính phủ Mỹ.

Các ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều kỷ lục trong năm 2022 (xanh = mua ròng, đỏ = bán ròng). Đơn vị: tấn vàng - Nguồn: WGC.
Các ngân hàng trung ương mua ròng vàng nhiều kỷ lục trong năm 2022 (xanh = mua ròng, đỏ = bán ròng). Đơn vị: tấn vàng - Nguồn: WGC.

Sau khi thỏa thuận vàng cuối cùng của các ngân hàng trung ương hết hiệu lực vào năm 2019, các bên ký kết, chủ yếu là các nền kinh tế châu Âu, đã xác nhận rằng “vàng vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong dự trữ tài chính. Điều này thể hiện qua việc không có sự bán ra đáng kể trong thời gian gần đây”.

Mặc dù các ngân hàng trung ương của các thị trường đang phát triển đã mua vào lượng vàng đáng kể trong những năm qua, vẫn có sự chênh lệch về tỷ trọng dự trữ vàng của các nước này nếu so với các nền kinh tế phát triển. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các thị trường đang phát triển có tổng mức phân bổ vàng dưới 10%, ít hơn một nửa so với tỷ trọng các nền kinh tế tiên tiến.

CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG KHÔNG CÓ NHIỀU LỰA CHỌN ĐỂ ĐẦU TƯ

Vậy những yếu tố nào đang thúc đẩy nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai?

Theo WGC, mục tiêu chiến lược của ngân hàng trung ương sẽ khác biệt so với các nhà đầu tư tổ chức. Dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương phải được ký gửi vào các tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao. Các kênh đầu tư cho ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển thường rất hạn chế, thường chỉ giới hạn ở vàng, quyền rút vốn đặc biệt (SDR), số dư dự trữ tại IMF, trái phiếu chính phủ được xếp hạng cao như trái phiếu kho bạc Mỹ, và tiền gửi.

Sự hạn chế về các lựa chọn đầu tư khiến các ngân hàng trung ương vô cùng phụ thuộc vào trái phiếu của các nền kinh tế phát triển, tạo ra sự mất cân đối trong các khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, lợi suất thực của các trái phiếu chính phủ này vẫn rất thấp, thậm chí là âm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương có nguy cơ chịu thiệt hại lớn trong trường hợp các nền kinh tế phát triển không thể trả nợ được.

Hơn nữa, họ đã chứng kiến các vấn đề về nợ xảy ra trong quá khứ, ví dụ như khủng hoảng nợ ở châu Âu. Bên cạnh đó, các rủi ro phá sản khác như tài sản bị đóng băng do lệnh trừng phạt cũng đang gia tăng, khiến các trái phiếu trở nên ít hấp dẫn trên một số thị trường. Nguy cơ xảy ra chiến tranh tiền tệ cũng vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các ngân hàng trung ương.

Trong bối cảnh này, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản dự trữ khác. Loại tài sản không có rủi ro chính trị, không bị suy giảm giá trị như tiền tệ, cũng như không thể bị áp đặt giá trong cuộc chiến tiền tệ. “Các cuộc khảo sát toàn diện của chúng tôi xác nhận rằng vàng là một tài sản dự trữ quan trọng - được đánh giá cao vì tiềm năng tăng giá trong thời điểm khủng hoảng, khả năng giữ giá trị lâu dài và không có rủi ro vỡ nợ”, WGC đánh giá.

XU HƯỚNG MUA RÒNG TIẾP DIỄN

Theo số liệu mới nhất của WGC, các ngân hàng trung ương mua ròng 52 tấn vàng trong tháng 2 vừa qua, đánh dấu tháng mua ròng thứ 11 liên tiếp, sau khi mua 74 tấn trong tháng 1. Như vậy trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua ròng gần 126 tấn vàng, mạnh nhất kẻ từ năm 2010.

Hãng tin Bloomberg cho biết trong tháng 3, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua ròng vàng tháng thứ 5 liên tiếp, với lượng mua ròng khoảng 18 tấn. Cuối tháng 3, dự trữ vàng của Trung Quốc đạt khoảng 2.068 tấn. Trong vòng 4 tháng trước tháng 3, PBOC mua ròng khoảng 102 tấn vàng.

Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương (màu xanh = các nước phát triển; màu tím = các nước đang phát triển) - Nguồn: WGC.
Tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương (màu xanh = các nước phát triển; màu tím = các nước đang phát triển) - Nguồn: WGC.

Tuy nhiên, WGC không phủ nhận sự tồn tại của một số rủi ro. Vài ngân hàng trung ương đã giảm lượng dự trữ vàng trong vài năm qua và nếu giá vàng tăng mạnh đột ngột, lượng mua vàng sẽ giảm và hoạt động bán ra có thể sẽ tăng lên. Nhưng nhìn chung, WGC kỳ vọng ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển sẽ tiếp tục mua ròng vàng để đạt tới tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối ngang bằng với các nền kinh tế phát triển.