18:17 12/05/2021

Vì sao Chính phủ Ấn Độ không phong toả toàn quốc để hạ nhiệt “chảo lửa” Covid?

Bình Minh

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt sức ép ngày càng lớn về áp lệnh phong toả toàn quốc...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn về áp lệnh phong toả toàn quốc, trong bối cảnh hệ thống y tế đã quá tải của nước này và phải trầy trật ứng phó với một làn sóng Covid-19 ngoài sức tưởng tượng.

Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, một cố vấn kinh tế của ông Modi nói rằng chính quyền các bang nên tự quyết định có áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội hay không.

 

“Tất cả mọi vấn đề đã được cân nhắc. Chính sách hiện nay là để các bang tự quyết, tuỳ theo tình hình địa phương, về việc có nên phong toả hay không. Tôi nghĩ đó là cách tốt hơn cả”.

ông V. Anantha Nageswaran, thành viên Hội đồng Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ

Năm ngoái, Ấn Độ đã phong toả toàn quốc trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 để chống làn sóng Covid thứ nhất. Lần này, làn sóng Covid thứ hai đã càn quét Ấn Độ suốt 2 tháng, nhưng ông Modi nhất quyết không phong toả. Thay vào đó, Chính phủ liên bang Ấn Độ để các bang tự thiết lập các biện pháp hạn chế ở cấp địa phương, bao gồm phong toả và giới nghiêm.

Tuy nhiên, với hệ thống y tế của Ấn Độ đã gần như suy sụp, các bệnh viện không thể tiếp tục thêm bệnh nhân và thiếu nghiêm trọng khí oxy, thuốc men và trang thiết bị y tế, giới chuyên gia kêu gọi mạnh mẽ Chính phủ nước này áp lệnh phong toả trên phạm vi toàn quốc.

Cố vấn cấp cao nhất về Covid-19 của Tổng thống Joe Biden, bác sỹ Anthony Fauci, trong một cuộc trả lời phỏng vấn ABC News hôm Chủ nhật nói rằng Ấn Độ cần phong toả để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.

Phớt lờ những lời kêu gọi này, Chính phủ Ấn Độ đang tập trung nỗ lực chống dịch vào việc phân phối hàng hoá cứu trợ mà thế giới gửi đến để giúp nước này chống lại đại dịch - gồm máy tạo khí oxy y tế, bơm kim tiêm, máy phát điện, thuốc chống virus Remdesivir… Ngoài ra, nước này cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid.

Diễn biến số ca nhiễm Covid mới trung bình 7 ngày, số ca nhiễm mới được xác nhận hàng ngày, và số ca tử vong vì Covid ở Ấn Độ - Nguồn: CNBC.
Diễn biến số ca nhiễm Covid mới trung bình 7 ngày, số ca nhiễm mới được xác nhận hàng ngày, và số ca tử vong vì Covid ở Ấn Độ - Nguồn: CNBC.

Số liệu mới nhất công bố ngày 12/5 cho thấy Ấn Độ ghi nhận 4.205 ca tử vong vì Covid trong 1 ngày, con số cao kỷ lục ở nước này kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đây cũng là ngày thứ 21 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới.

Đến nay, Ấn Độ đã có hơn 23 triệu ca nhiễm và 254.000 ca tử vong vì Covid. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ấn Độ chiếm một nửa tổng số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu trong tuần trước, và 30% số ca tử vong.

Ông Nageswaran giải thích rằng ở thời điểm này, lợi ích của việc phong toả toàn quốc không vượt trội so với những tổn thất mà một đợt phong toả có thể gây ra. Ông nói thêm rằng số ca nhiễm vẫn đang tương đối tập trung ở một số khu vực, thay vì tràn lan trên phạm vi toàn quốc.

Đợt phong toả năm 2020 đã đốn gục tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, đẩy nền kinh tế nước này rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật. Trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai nổi lên, nền kinh tế Ấn Độ đã bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng đợt bùng dịch này sẽ khiến sự phục hồi bị trì hoãn.

 

"Nhiều khả năng các bang ở Ấn Độ sẽ tiếp tục phong toả đến tháng 6 hoặc lâu hơn, xét tới tốc độ tiêm chủng hiện nay. Bất kỳ nỗ lực nào mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế đều có thể dẫn tới một làn sóng virus thứ ba".

Ông Kunal Kundu, chuyên gia kinh tế thuộc Societe Generale.

Ông Kundu cho biết Societe Generale trước đây dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thực của Ấn Độ trong tài khoá kết thúc vào tháng 3/2022 đạt 9,5%, thấp hơn mức dự báo bình quân của toàn thị trường. Tuy nhiên, mục tiêu này giờ đây đã trở nên không khả thi.

“Phong toả cục bộ có thể kéo dài đến tháng 6 hoặc lâu hơn. Điều này đặt ra rủi ro đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ của chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP thực đạt 8,5% trong tài khoá hiện tại”, ông Kundu nói.

Cũng theo chuyên gia kinh tế này, khả năng của Ấn Độ trong việc kiểm soát các biến chủng mới sẽ quyết định việc ngăn chặn những làn sóng tiếp theo. Để làm được việc này, Ấn Độ cần phân bổ thêm nguồn vốn ngân sách chính phủ liên bang cho việc theo dõi virus, phát triển vaccine, và giữ vững hoạt động của các cơ sở y tế.

Còn theo nhận định của ông Nageswaran, nếu số ca nhiễm mới Covid-19 ở Ấn Độ không đạt đỉnh trong 2 tuần tới và làn sóng bệnh dịch này kéo dài sang quý 3, thì phải đến tài khoá 2022-2023 nước này mới có thể quay trở lại được mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.