09:00 07/11/2017

Vì sao MB chọn Shinsei Bank hợp tác để cùng phát triển Mcredit?

Thùy Linh

Lựa chọn Shinsei Bank là đối tác liên doanh vì chúng tôi nhận thấy triết lý kinh doanh của Shinsei Bank có nhiều điểm khá tương đồng với MB

Bà Nguyễn Minh Châu, thành viên cao cấp Ban điều hành, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ MB kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit).
Bà Nguyễn Minh Châu, thành viên cao cấp Ban điều hành, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ MB kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit).

Ngày 2/11, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) chính thức ra mắt Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (tiền thân là Công ty Tài chính TNHH MTV MB) và giữ nguyên thương hiệu Mcredit.

Bà Nguyễn Minh Châu, thành viên cao cấp Ban điều hành, Giám đốc khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ MB kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đã có những chia sẻ lý do chọn Shinsei Bank là đối tác doanh và những định hướng phát triển công ty sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động mới.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp trong ngành, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển và tiềm năng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam?

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho thấy, năm 2016 thị phần tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại chiếm 92% phục vụ nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 10 triệu đồng.

Trong khi đó, thị phần cho vay tiêu dùng tín chấp tại nhóm các công ty tài chính chỉ chiếm chưa đến 8% phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập hàng tháng dưới 10 triệu đồng với các khoản vay có giá trị thấp dưới 100 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ người dân Việt Nam có khoản vay chiếm 46,84% dân số nhưng chỉ 18,45% người có khoản vay tại các tổ chức tài chính.

Các công ty tài chính tiêu dùng phục vụ đối tượng khách hàng mục tiêu là những người có thu nhập thấp và trung bình từ 3 đến dưới 10 triệu đồng/tháng, không có tài sản thế chấp và khó chứng minh được thu nhập theo chuẩn của ngân hàng, có nhu cầu tài chính để có vốn kinh doanh hoặc tiêu dùng.

Chính vì vậy, để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, cụ thể là đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân có thu nhập khiêm tốn trong môi trường hoạt động lành mạnh, minh bạch và an toàn thì việc phát triển các công ty tài chính là điều cần thiết.

Vì sao Mcredit lại lựa chọn phương án liên doanh để phát triển, thưa bà?

Mcredit là công ty thành viên thuộc Ngân hàng Quân đội, có sự hỗ trợ rất lớn từ ngân hàng về quan hệ đối tác, thị trường và tiềm năng bán chéo sản phẩm dịch vụ với mạng lưới rộng khắp các tỉnh thành và đặc biệt uy tín của một thương hiệu trong ngành tài chính.

Những lợi thế đó sẽ được phát huy theo cấp số nhân với sự kết hợp của một đối tác có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Nhật Bản. Khi quyết định phương án liên doanh, ban lãnh đạo MB mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty dựa trên kinh nghiệm triển khai hoạt động tài chính tiêu dùng và hệ thống quản trị rủi ro tiến tiến hiệu quả cũng như khả năng cung ứng nguồn vốn huy động từ đối tác nước ngoài.

Có khá nhiều đối tác ngỏ ý "kết hôn" với Mcredit, vì sao công ty lại lựa chọn Shinsei Bank - đối tác đến từ Nhật Bản? Dòng vốn từ Shinsei sẽ có những đóng góp như thế nào trong chiến lược phát triển của công ty?

Ngay sau thành lập Công ty Tài chính TNHH MTV MB (thương hiệu Mcredit) do MBBank sở hữu 100% vốn, MB đã đặt ra mục tiêu tìm đối tác chiến lược có cùng quan điểm đầu tư hướng đến giá trị bền vững.

Lựa chọn Shinsei Bank là đối tác liên doanh vì chúng tôi nhận thấy triết lý kinh doanh của Shinsei Bank - một Tập đoàn tài chính Nhật Bản với kinh nghiệm hoạt động trên 50 năm có nhiều điểm khá tương đồng với MB. Thêm vào đó, tính kỷ luật, tin cậy và uy tín là phẩm chất đặc trưng của người Nhật cũng rất phù hợp với các giá trị cốt lõi của MB.

Tại Nhật Bản, Shinsei Bank sở hữu Công ty tài chính tiêu dùng Shinsei Finance đứng vị trí top 3 trên thị trường về cho vay tiền mặt tiêu dùng tại Nhật Bản.

Với những lợi thế kinh nghiệm về quản trị rủi ro, nguồn vốn huy động và nền tảng công nghệ đáp ứng yêu cầu đặc thù của vay tài chính, cùng tầm nhìn về thị trường tài chính tiêu dùng, quan điểm phát triển, MB và Shinsei Bank đã đi đến thống nhất để ký kết hợp đồng Liên doanh và hợp đồng chuyển nhượng 49% vốn Công ty tài chính tiêu dùng (Mcredit) vào ngày 21/11/2016.

Ngày 21/9/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1965/QĐ-Ngân hàng Nhà nước về việc Chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty tài chính TNHH MTV MB thành Công ty tài chính TNHH MB Shinsei - giữ nguyên tên thương hiệu là Mcredit.

Ngày 19/10/2017, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép sửa đổi công nhận thành lập Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei. Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn MB Shinsei (Mcredit) sẽ tiếp nhận và kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ được xác lập bởi Công ty trước chuyển đổi (Công ty Tài chính TNHH MTV MB) và cam kết bảo đảm đầy đủ các quyền lợi hợp pháp của các khách hàng và đối tác.

Mcredit ra đời khi thị trường đã có rất nhiều đối thủ cạnh tranh lớn và mạnh, vậy công ty có giá trị khác biệt gì để cạnh tranh với các đối thủ của mình, thưa bà? Công ty sẽ tập trung vào những sản phâm, dịch vụ và phân khúc khách hàng nào?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, giá trị khác biệt của Mcredit bắt nguồn ngay từ chính sự phát triển từ nội lực của công ty để trở thành công ty tài chính tiêu dùng thuận tiện cho mọi người dân có thu nhập khiêm tốn.

Kết quả hoạt động của Mcredit sau 10 tháng nếu so với các công ty tài chính tiêu dùng trong năm đầu phát triển là một con số đáng tự hào, bước đầu thể hiện sự khởi đầu thành công với những nỗ lực vượt bậc. Kết quả này tạo đà cho chiến lược tăng tốc phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu mà Mcredit đã đặt ra trong các năm tiếp theo.

Trước mắt, Mcredit tập trung tận dụng ưu thế từ các cổ đông lớn là MB và Shinsei Bank cùng các đối tác của họ để phát triển hai nhóm sản phẩm chủ lực: đó là các sản phẩm cho vay trả góp và cho vay tiền mặt với thời hạn vay linh hoạt, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, mạng lưới giao dịch thuận tiện.

Bên cạnh đó, công ty sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số không chỉ trong vận hành mà trong các hoạt động tiếp thị, tiếp cận khách hàng đa kênh, mở và lần lượt thí điểm các sản phẩm mới, giúp khách hàng trải nghiệm dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Mcredit đã chính thức ra mắt vào ngày 2/11. Thời điểm này, bà có thể chia sẻ định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới?

Với tầm nhìn trở thành công ty tài chính tiêu dùng thuận tiện cho mọi người dân Mcredit xác lập các định hướng phát triển tập rung vào phân khúc khách hàng mục tiêu có thu nhập trung bình từ 3- 10 triệu đồng/tháng, với quy mô 5 triệu khách hàng.

Các sản phẩm công ty cung cấp: cho vay trả góp, vay tiền mặt và thẻ tín dụng. Phát triển mô hình cung cấp dịch vụ đa kênh - mở rộng thêm kênh đối tác, kênh trực tuyến, kênh telesales bên cạnh kênh tiếp cận truyền thống...Áp dụng mô hình dịch vụ tiên tiến và đã thành công của đối tác Nhật Bản, hướng đến tiêu chí thuận tiện cho khách hàng. Xây dựng đội ngũ nhân sự tận tâm, đoàn kết đồng lòng trên nền tảng văn hóa thực thi nhanh hướng tới khách hàng.

Với tầm nhìn, mục tiêu và định hướng phát triển và một tập thể đồng lòng, tôi tin rằng con đường khá thử thách phía trước sẽ là một cuộc hành trình ý nghĩa.